Chính sách

Thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương

Ngày 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 30 đã nhất trí ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Ngày 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 30 đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính hai xã của huyện Hồng Ngự và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc nhập đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Đề án của Chính phủ về thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là cần thiết. Theo đó, xã Thường Thới Tiền hiện đang là trung tâm huyện lỵ của huyện Hồng Ngự, có tiềm năng và vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ. Khu đô thị xã Thường Thới Tiền cũng là trung tâm hành chính của huyện Hồng Ngự, quá trình đô thị hóa trên địa bàn khu vực diễn ra khá nhanh. Ngoài ra, cho đến nay, huyện Hồng Ngự chưa có thị trấn huyện lỵ. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành về sự cần thiết thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Thị xã Chí Linh (tỉnh Hải Dương) nhìn từ trên cao (ảnh: internet).

Về đề án nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, Ủy ban Pháp luật đánh giá đề án đã sắp xếp giảm được 1 đơn vị hành chính cấp xã… Thị xã Chí Linh đáp ứng đầy đủ 5/5 tiêu chuẩn thành lập thành phố. Hồ sơ đề án được Chính phủ gửi kèm theo đầy đủ, công phu, nghiêm túc, chất lượng bảo đảm, hợp lệ. Đề án đã được lấy ý kiến cử tri với kết quả tán thành rất cao…

Với những lý do nêu trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương để các cơ quan, tổ chức ở địa phương có thời gian chuẩn bị, kiện toàn, thay đổi tên gọi, con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập. Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định trong Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/3/2019.

Tại phiên họp thứ 30 diễn ra vào chiều 10/1, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với 2 đề án trên.