Xu hướng thị trường

Thành lập đoàn kiểm tra vụ nhà thầu xe buýt nhanh BRT hưởng lợi 42 tỷ đồng

Việc kiểm tra nhằm làm rõ thông tin nhà thầu Thiên Thành An ngoài thực hiện 25% công việc của mình còn thực hiện thêm phần công việc được phân chia và hưởng hơn 42 tỷ đồng chênh lệch, cùng một số sai phạm khác.     

Theo báo Đấu Thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ban hành quyết định về việc kiểm tra, làm rõ đối với Gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08) - Hợp phần 1, xe buýt nhanh BRT thuộc dự án Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội làm chủ đầu tư.

Theo nội dung Quyết định, Bộ KH&ĐT sẽ thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, làm rõ việc Công ty CP Thiên Thành An hưởng lợi số tiền 42,405 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện đối với Gói thầu 04/BRT-TB. Thời hạn kiểm tra là 20 ngày làm việc.

Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội gây nhiều thất thoát, lãng phí ngân sách.

Trước đó, tại kết luận thanh tra số 1468/KL-TTCP ký ngày 4/9/2018 về dự án buýt nhanh BRT Hà Nội của Thanh tra Chính phủ (TTCP), liên danh Công ty CP Thiên Thành An - Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) là nhà thầu trúng Gói thầu Đoàn xe buýt nhanh (BRT) - giai đoạn 1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Thiên Thành An ngoài thực hiện 25% công việc của mình còn thực hiện thêm phần công việc được phân chia theo hợp đồng của THACO và hưởng hơn 42 tỷ đồng chênh lệch.     

Ngày 8/10/2018 trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe Cộng đồng, ông Nguyễn Một - đại diện truyền thông của Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, số tiền chênh lệch 42 tỷ đồng tương đương 1,2 tỷ/ xe giữa giá xuất bán xe của Trường Hải cho liên danh Thiên Thành An để Thiên Thành An xuất bán cho Chủ đầu tư theo hợp đồng thầu.

"Số tiền này để đảm bảo cho liên danh Thiên Thành An thực hiện các nghĩa vụ: Bảo hành sản phẩm trong 3 năm (theo điều kiện hợp đồng); Đảm bảo dự trữ và cung cấp dịch vụ phụ tùng xe trong 10 năm vì đây là 35 xe sản xuất theo đơn đặt hàng riêng, không phải xe sản xuất hàng loạt nên không có phụ thùng trên thị trường; Chi phí quản lý, chi phí lãi vay" - ông Nguyễn Một nói.

Thông tin trên báo Tiền Phong cho hay, hợp phần xe buýt nhanh BRT thuộc dự án Phát triển giao thông đô thị do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư có tổng chiều dài tuyến BRT là 14,7 km với tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư cho BRT sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đánh giá tổng thể dự án buýt nhanh BRT Hà Nội, Thanh tra Chính phủ nêu rõ việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng như nhà chờ, cầu vượt thuận tiện cho người đi bộ, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ người khuyết tật.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách trung bình trên mỗi chuyến buýt nhanh chỉ là 39,9 người/lượt, chỉ đạt 44,3% so với công suất thiết kế 90 người/lượt. Lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7/90 người/lượt.

Như vậy mặc dù được đầu tư lớn nhưng dự án chưa hiệu quả, chưa đạt mục tiêu để ra là giảm ùn tắc giao thông, giảm sử dụng phương tiện cá nhân.

H.Y (tổng hợp)