Tài chính - Ngân hàng

Thanh khoản giảm mạnh, chứng khoán vẫn "đi lùi"

Mở cửa phiên giao dịch 26/7, chứng khoán vẫn tăng điểm song thanh khoản "èo uột" và lực bán dâng cao trong phiên chiều khiến VN-Index quay đầu giảm hơn 3 điểm.

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch phiên 26/7 biến động tích cực trước sự nâng đỡ của một số nhóm ngành cổ phiếu đặc biệt là nhóm dầu khí.

Các mã PVD, PVS, GAS, PVC… ngày càng mở rộng biên độ giao dịch và tăng điểm. Các mã khác thuộc nhóm cổ phiếu lớn như GVR, PLX, BVH, CTG, VCB... cũng đồng loạt tăng giá, VN-Index dần vượt lên trên tham chiếu.

Dù vậy, VN-Index chỉ bứt phá nhẹ trong biên độ giao dịch 1-3 điểm do vẫn có áp lực ở nhiều cổ phiếu lớn. Điều này khiến đà tăng của các chỉ số bị ảnh hưởng. Một số mã giảm điểm có thể kể đến như MSN, HPG. Hôm nay, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu HPG phát hành để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 tỉ lệ 30% sẽ về tài khoản nhà đầu tư.

Áp lực bán vẫn mạnh khiến VN-Index kết phiên sáng chỉ tăng 1,74 điểm lên 1.190,24 điểm. Toàn sàn có 169 mã tăng, 243 mã giảm và 77 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp. Giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 21,9% trong phiên sáng.

Giao dịch khởi sắc hồi đầu phiên sáng đã không được duy trì khi tâm lý lo sợ khiến nhà đầu tư không dám "đua lệnh" mua vào mà chỉ đứng ngoài quan sát.

Với diễn biến thận trọng và điều chỉnh của thị trường chung, nhiều nhóm ngành cũng chìm trong sắc đỏ và số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm phần lớn trên cả 3 sàn giao dịch. Nhìn chung nhóm dầu khí có diễn biến kém nhất và ghi nhận mức giảm khá sâu. Bên cạnh đó, các ngành bán lẻ, hóa chất, thép... cũng ảnh hưởng không tốt đến thị trường.

Ở chiều ngược lại, có một số ít nhóm ngành giữ được sắc xanh như nhóm vận tải - kho bãi, nhóm điện, bất động sản... nhưng trong nhóm cũng có sự phân hóa khá mạnh.

Những mã tác động mạnh nhất tới thị trường ngày 26/7. (Ảnh: FireAnt)

Càng về cuối phiên giao dịch, áp lực bán mạnh đã khiến hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc và điều này khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,43 điểm, tương ứng 0,29% xuống 1.185,07 điểm. Toàn sàn có 139 mã tăng, 311 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,5 điểm, tương ứng 0,88% xuống 282,88 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 119 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,06 điểm, tương ứng 0,07% lên 88,41 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 giảm hơn 4 điểm với 19 mã giảm giá.

VIC là mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường ngày 26/6 khi đánh mất 1,78% thị giá và dừng tại mức thấp nhất ngày. Đây cũng là thị giá thấp nhất của VIC hơn 2 năm trở lại đây. Tại các mã khác thuộc nhóm "họ Vingroup", diễn biến cũng không mấy khởi sắc. VHM giảm xuống 58.700 đồng/cổ phiếu, VRE giảm về 26.050 đồng/cổ phiếu.

Theo sau là VNM khi giảm 1,23% về 72.000 đồng/cổ phiếu. VNM có hơn 1,1 triệu mã được sang tay trong ngày. Hay như REE cũng giảm tới 4,15% về 76.300 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp ​​của bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giao dịch hàng trăm triệu cổ phiếu nhưng không đăng ký nên mới đây đã bị Uỷ ban Chứng khoán phạt 110 triệu đồng.

HPG của "vua thép" Hòa Phát tiếp tục là mã tác động xấu tới thị trường khi giảm xuống 21.650 đồng/cổ phiếu. Mã này vẫn có hơn 26,3 triệu cổ phiếu được giao dịch trong ngày. Hòa Phát mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý II chỉ tiêu lợi nhuận lao dốc 59% so với cùng kỳ về 4.023 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý IV/2020 đến nay.

Một số mã thuộc nhóm bán lẻ cũng giao dịch không mấy khởi sắc. MWG giảm xuống 63.000 đồng/cổ phiếu, PNJ cũng mất 1,06%... Dù vậy, FRT, DGW lại kết phiên trong sắc xanh.

19 mã thuộc nhóm VN30 giảm điểm ngày 26/7. (Ảnh: SSI)

Ở chiều ngược lại, VCB là mã tác động tích cực nhất tới thị trường chung khi tăng 1,37%. Hôm nay, Vietcombank đã thông báo kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận đạt hơn 7.400 tỷ đồng trong quý II, đưa Vietcombank trở lại "ngôi vương" lợi nhuận toàn ngành ngân hàng. Trong nhóm ngân hàng, một số mã cũng tăng điểm tích cực và đóng góp tới chỉ số là BID, KLB, LPB, STB, VPB... Ngược lại, vẫn có nhiều mã chưa bứt phá và bị sắc đỏ phủ bóng như OCB, TCB, VIB, MBB, MSB, EIB...

Cổ phiếu VNS của Vinasun vẫn tiếp đà tăng trần sau thông tin tích cực. Một số mã tím trần phiên giao dịch ngày 26/7 có thể kể đến như TDG, SBT, IMP, CLW, BMC, PTC...

Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tuy vậy giao dịch khối ngoại không quá khởi sắc do giá trị giải ngân là 582 tỷ đồng trong khi giá trị bán ra là 527 tỷ đồng, tương ứng khối ngoại mua ròng gần 55 tỷ đồng trên sàn HoSE. DGC là mã bị bán mạnh nhất gần 39 tỷ đồng, VNM bị bán gần 17 tỷ đồng, GAS bị bán 11 tỷ đồng… Ngược lại, VCB được mua 23 tỷ đồng, MWG được mua 22 tỷ đồng, SSI được mua gần 22 tỷ đồng, LPB được mua 20,4 tỷ đồng...

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 9.625 tỷ đồng, giảm 8,8% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 8% xuống còn 8.070 tỷ đồng. Nhóm VN30 được sang tay 107 triệu cổ phiếu, thanh khoản đạt 3.300 tỷ đồng.