Văn hoá

Thanh Hóa: Chọn mẫu tượng đài Bà Triệu cần thận trọng, xem xét kỹ lưỡng

Liên quan đến việc xây dựng tượng đài Bà Triệu, tỉnh Thanh Hóa đã có những lý giải về hạn chế trong công tác lựa chọn các hình mẫu tượng đài.

Trong Hội nghị cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 9 tháng năm 2022 và giao ban công tác báo chí tháng 10/2022, đại diện cơ quan chức tỉnh Thanh Hóa đã có những lý giải về một số hạn chế trong quá trình lựa chọn các mẫu tượng đài Bà Triệu tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Theo lý giải, để lựa chọn các mẫu tượng đài Bà Triệu, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc thi nhằm tìm ra mẫu tượng đài phù hợp với dự án quan trọng này. Việc lựa chọn các mẫu được Hội đồng nghệ thuật xem xét đánh giá thận trọng, kỹ lượng các mẫu dự thi cùng nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành liên quan. 

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã họp và cơ bản thống nhất với mẫu phác thảo (ảnh) theo đề nghị của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tại tờ trình ngày 29/8. Đồng thời, giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện và xin ý kiến nhân dân (nếu thấy cần thiết) để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện xây dựng tượng đài.

Sau khi mẫu tượng đài được công bố, đã có nhiều ý kiến liên quan xung quanh vấn đề này. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng mẫu tượng đài lựa chọn ban đầu chưa thể hiện được tầm vóc, thần thái, khí phách của Bà Triệu.

Tôn trọng các ý kiến đóng góp, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định sẽ tiếp tục thực hiện quy trình lựa chọn mẫu tượng đài sao cho đảm bảo mỹ thuật và đồng thuận cao nhất của người dân đối với công trình quan trọng này.

Mẫu tượng đài Bà Triệu sau khi được công bố đã có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng, mẫu chưa thể hiện được tầm vóc, thần thái và khí phách của Bà Triệu.

Chia sẻ về các vấn đề liên quan việc chọn mẫu tượng đài tại Hội nghị, đại diện cơ quan có thẩm quyền cho biết, ban đầu tượng đài Bà Triệu được lựa chọn xây dựng bằng chất liệu đá, nhưng với yêu cầu đặc thù tại dự án quan trọng này, các cơ quan chức năng đã thống nhất thay đổi và thực hiện bằng chất liệu đồng. 

Với sự thay đổi này, do tính chất đặc thù của vật liệu, các mẫu tượng đài cũng có những hạn chế nhất định, và từ đó việc lựa chọn mẫu tượng đài cũng không đơn thuần như một số hình mẫu đưa ra từ các ý kiến đóng góp. Đồng thời, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét để có lựa chọn phù hợp, tạo đồng thuận cao nhất tại dự án có ý nghĩa quan trọng này.

Một số hình tượng Bà Triệu lưu truyền trong dân gian.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVIII (nhiệm kỳ 2021-2026) cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Bà Triệu.

Theo Nghị quyết, dự án sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tượng đài Bà Triệu (có quy mô khoảng 5 ha), trong đó có các hạng mục như: nhà đón tiếp kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm; sân, quảng trường khu tượng đài; đường dạo xung quanh; đường lên núi... và xây dựng tượng đài Bà Triệu, với diện tích khoảng 1,4 ha (tượng cao 36m, chất liệu bằng đồng).

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 256 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh, vốn do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam quyên góp và nguồn huy động hợp pháp khác khoảng 106 tỷ đồng, vốn do một tập đoàn tài trợ khoảng 150 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025 (không quá 4 năm). Chủ đầu tư là Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Việt Phương