Sự kiện

Thanh Hóa: Phải xử lý, thu hồi trên 196 tỷ đồng liên quan đến các vụ tham nhũng

Trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã điều tra, truy tố, xét xử 36 vụ, 74 bị can tham nhũng, trong đó, xác định thu hồi gần 200 tỷ đồng và hơn 16.3m² đất.

Nhiều vụ việc tham nhũng được xử lý

Sáng 12/12, tại thành phố Thanh Hóa đã diễn ra kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại kỳ họp, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa có báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, trong năm 2023, địa phương điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng trong phạm vi theo dõi, quản lý là 36 vụ với 74 bị can. Trong đó, có 11 vụ với 37 bị can chuyển tiếp từ năm trước, cùng 15 vụ, 27 bị can mới.

Đáng chú ý, trong kỳ sau quá trình thụ lý xét xử, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định số tài sản tham nhũng phải xử lý, thu hồi trên 196 tỷ đồng và 16.351 m² đất. Trong đó, số cũ chuyển tiếp sang năm nay trên 165 tỷ đồng và 16.351 m² đất; số mới khoảng 31,3 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi số tiền khoảng 70 tỷ đồng, trong đó thu ở giai đoạn điều tra khoảng 60,6 tỷ đồng; thu giai đoạn thi hành án 7,4 tỷ đồng. Số chưa thu được 126 tỷ đồng và 16.351 m² đất.

Quang cảnh kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Liên quan công tác này, trong năm, Thanh Hóa thực hiện nhiều cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Về thanh tra hành chính có 390 cuộc, trong đó có 51 cuộc thanh tra kỳ trước chuyển sang, triển khai mới 339 cuộc; 310 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 80 cuộc thanh tra đột xuất; đã ban hành kết luận 326 cuộc.

Trong đó, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa thực hiện 106 cuộc thanh tra kinh tế xã hội trên các lĩnh vực; thanh tra các sở, ngành triển khai 20 cuộc; thanh tra các huyện, thị xã, thành phố triển khai 264 cuộc thanh tra hành chính.

Về thanh tra chuyên ngành, các sở ngành triển khai 452 cuộc thanh tra, kiểm tra (14 cuộc chuyển tiếp, 438 cuộc triển khai trong kỳ). Qua thanh tra phát hiện 394 tổ chức, 1.397 cá nhân có vi phạm, số tiền sai phạm hơn 8 tỷ đồng (trong đó, tổ chức khoảng 7 tỷ đồng; cá nhân 1 tỷ đồng). Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 297 tổ chức và 399 cá nhân, với số tiền xử phạt 13,4 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra đã phát hiện sai phạm 34 tỷ đồng và 20.430 m2 đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi 25 tỷ đồng (đã thu 8,8 tỷ triệu đồng); kiến nghị xử lý khác 9,3 tỷ đồng (đã xử lý 9,1 tỷ đồng) và 20.430 m2 đất.

Đáng chú ý, một trong những vụ việc lớn, xã hội quan tâm liên quan sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower (Tp.Thanh Hóa) tiếp tục được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa điều tra, làm rõ. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố nhiều bị can, trong đó có cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và bắt tạm giam nhiều cá nhân như bà Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; ông Đinh Xuân Hướng, cựu Bí thư Huyện ủy Như Thanh; ông Nguyễn Bá Hùng, cựu Bí thư Huyện ủy Như Xuân...; đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa trong đó có bị cáo Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.

Không có vùng cấm

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, với sự quyết tâm và cố gắng của cả hệ thống chính trị, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu về phòng chống tham nhũng.

Trong đó, các cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước của tỉnh đã chủ động trong chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa và kịp thời phát hiện xử lý các hành vi tham nhũng.

Các ngành tư pháp đã tích cực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, góp phần nâng cao kỷ cương pháp luật, củng cố lòng tin trong nhân dân.

Vụ án liên quan sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower là một trong những vụ thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan công tác Phòng chống tham nhũng, căn cứ thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/5/2022 của Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tại phiên họp ngày 30/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ), gồm 15 thành viên, do ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, làm Trưởng ban. Ban Nội Chính Tỉnh ủy Thanh Hóa là đơn vị Thường trực của Ban chỉ đạo. 

Qua trao đổi với Người Đưa Tin về công tác hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Thanh Hóađại diện lãnh đạo Ban Nội Chính Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, từ khi thành lập, Ban chỉ đạo cũng đã dần khẳng định được vai trò của Ban trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Qua chỉ đạo, các cấp Ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện nghiêm túc đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng tiêu cực, không có vùng cấm.

Theo đó, các cấp chính quyền, đơn vị đã cụ thể hóa các chủ trương giải pháp về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Qua đó, đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm toán vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng tiêu cực. Nhiều hành vi phạm tội của cán bộ, đảng viên bị phát hiện đã xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, song song với việc xử lý nghiêm minh, công tác tuyên truyền cũng luôn được Ban chỉ đạo đẩy mạnh, cùng với việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, từ đó góp phần uốn nắn, giáo dục giảm thiểu những ý đồ, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tầng lớp cán bộ, lãnh đạo, đảng viên trên địa bàn.