Xu hướng thị trường

Thanh Hóa: Tọa đàm về phát triển nông nghiệp bền vững

Mới đây, tại Tp.Sầm Sơn (Thanh Hóa), Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm: “Phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa: Hiện trạng và giải pháp”.

Cuộc tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, cùng đại diện cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, Tạp chí Kinh tế môi trường đã tổ chức Tọa đàm nhằm làm rõ, tìm giải pháp để góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Thanh Hóa giai đoạn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, căn cứ định hướng phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp với mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong tháng 9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3416/QĐ-UBND về việc, phê duyệt đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đại biểu nêu ý kiến tham luận tại Tọa đàm.

Trên cơ sở đó, tại tọa đàm đại diện ban tổ chức nêu, nhiều năm qua, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được xem mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề then chốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy nguy cơ mất an ninh lương thực trở thành nỗi lo thường trực mọi quốc gia.

Ở trong nước, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dưa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh, thông minh. Theo đó, Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020.

Vì vậy, tại tỉnh Thanh Hóa, nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nông lâm thủy sản từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Tọa đàm kết hợp trưng bày sản phẩm nông nghiệp OCOP địa phương.

Cơ bản tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia thống nhất cho rằng, để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; đổi mới, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ...

Theo đại diện Ban tổ chức, buổi tọa đàm ngoài nêu ra các giải pháp cụ thể để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa theo hướng bền vững, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Ngoài ra, sau buổi tọa đàm, Ban tổ chức phối hợp cùng Thành đoàn Tp.Sầm Sơn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh – GreenHub phát động chương trình nhặt rác thải nhựa, làm sạch bãi biển tại Sầm Sơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân trong 3 năm gần đây đạt 3,41%; quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 36.738 tỷ đồng, tăng 3.667 tỷ đồng so với năm 2020. Trên địa bàn đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao với diện tích 75 nghìn ha, vùng ngô thâm canh gần 20 nghìn ha.

Việt Phương