Tiêu dùng & Dư luận

Thanh Hóa tích cực "đẩy thuyền" để ngành du lịch vươn khơi

Với thành công bước đầu, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có văn bản nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi tiêu cực, và tăng cường nâng cao chất lượng du lịch địa phương.

Quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm

Trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa có những kết quả rất khả quan khi lượng khách và doanh thu đều ghi nhận những con số kỷ lục. Chỉ riêng trong dịp 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, địa phương này đón trên 1,5 triệu lượt khách và doanh thu 3.800 tỷ đồng, dẫn đầu cả nước.

Xác định chiến lược xây dựng ngành du lịch Thanh Hóa phát triển bền vững, đồng bộ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030 và trụ cột vào năm 2045, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực đầu tư mọi mặt để thúc đẩy du lich địa phương phát triển.

Tận dụng phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa thể hiện quyết tâm làm du lịch chất lượng cao, gắn thương hiệu du lịch Thanh Hóa trong tâm trí du khách mỗi khi về với địa phương.

Nhiều năm qua Thanh Hóa luôn trong top đầu điểm du lịch cả nước.

Theo đó, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản tiếp tục chỉ ra các biện pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn triệt để các hình ảnh không đẹp trong mắt du khách, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng du lịch Thanh Hóa. 

Cụ thể, UBND Thanh Hóa yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, tập trung xử lý các cơ sở quảng bá không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tiếp tục tăng cường quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; chấn chỉnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm du lịch có tính chất mạo hiểm mà chưa được cấp phép.

Giao Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, rõ nguồn gốc, xuất xứ; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm, không niêm yết giá và bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết, nâng giá, ép khách…, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu du lịch Thanh Hóa.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ và có các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, bắt ép ăn tại các cơ sở lưu trú du lịch; tăng cường quản lý dịch vụ lưu trú tại các loại hình căn hộ, biệt thự du lịch tại thành phố Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa. Đây là 2 địa phương du lịch trọng điểm của Thanh Hóa nhiều năm qua.

Thanh Hóa là địa phương có văn hóa lâu đời cùng thiên nhiên ưu đãi nên có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

Đối với loại hình xe điện có nguy cơ cao phát sinh vấn đề tiêu cực, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đảm bảo thực hiện nghiêm túc 4 “không” gồm: Không lái xe đi sai các tuyến đường được phép hoạt động; Không chèo kéo, tranh giành khách; Không thu cước phí sai giá cước đã niêm yết; Không nài kéo, “dẫn dắt” khách để nhận hoa hồng của các cơ sở mua sắm và các nhà hàng, khách sạn.

Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố có du lịch biển: Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nghi Sơn, Quảng Xương thường xuyên rà soát, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, nhân lực và trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm trên địa bàn.

Tích cực chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng du lịch

Để tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị chuyên môn chủ động thực hiện tốt các nội dung đã đề ra, từ đó tiếp tục duy trì hình ảnh tốt đẹp của du lịch Thanh Hóa trong mắt du khách.

Cụ thể, về văn hóa ứng xử du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục yêu cầu các địa phương và đơn vị chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư địa phương tại các khu, điểm du lịch. Xem đây là công việc quan trọng ảnh hưởng lớn tới bộ mặt du lịch địa phương và trong mắt du khách.

Tiếp theo, địa phương khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư, tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, đảm bảo theo tiêu chuẩn hạng sao (đối với các cơ sở lưu trú) và tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (đối với các dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe…).

Văn hóa du lịch, phục vụ du khách được Thanh Hóa chú trọng tăng cường, nâng cao thời gian qua.

Đồng thời, vận động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch đảm bảo công khai giá và bán đúng giá công khai, gắn với chú trọng làm mới, bổ sung các sản phẩm, dịch vụ, phục vụ tốt nhất nhu cầu nghỉ dưỡng, thăm quan, vui chơi, giải trí của du khách. Tiếp tục rà soát, lắp đặt biển chỉ dẫn, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn, phòng ngừa ùn tắc, tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch. Chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của Nhân dân và du khách, đảm bảo các phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch có chất lượng tốt, sạch, đẹp và tuyệt đối an toàn, với mức giá phù hợp so với mặt bằng chung.

Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động trực tiếp phục vụ, tiếp xúc với du khách; không tiếp nhận lượng khách vượt quá khả năng phục vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của đơn vị.

Ngoài ra, quan tâm sắp xếp, quản lý tốt các dịch vụ bán hàng, trông giữ xe; cương quyết không để xuất hiện và duy trì các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường, nhất là tại khu vực các bãi tắm.

Để đảm bảo du khách có kỳ nghỉ tốt nhất, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Hóa có phương án ưu tiên, đảm bảo nguồn điện ổn định cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khu du lịch biển. Đồng thời, yêu cầu lực lượng Công an tỉnh và các địa phương có phương án đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn…

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Vương Thị Hải Yến Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cho biết, trong năm 2024, ngành du lịch Thanh Hóa phối hợp tổ chức 145 sự kiện nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch.

"Ngoài các biện pháp đã thực hiện, thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như kế hoạch chuyển đổi số, phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, từ đó thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030, và trụ cột của kinh tế Thanh Hóa vào năm 2045", bà Yến thông tin.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng. Để đạt được kết quả trên, ngành du lịch Thanh Hóa đã không ngừng sáng tạo, đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng.