Dân sinh

Thanh Hóa: Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân về từ các vùng dịch Covid-19

Tỉnh Thanh Hóa cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để những người dân hồi hương từ các vùng dịch Covid-19 ổn định cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tạo điều kiện tốt nhất để người dân hồi hương ổn định cuộc sống

Đầu tháng 9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND, về thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ người lao động Thanh Hóa trở về từ các vùng dịch Covid-19 sớm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, đối với người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, sau khi thực hiện xong việc cách ly, các công dân này sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính.

Ngoài ra, đối với trường hợp những người lao động sau khi về từ vùng dịch có nhu cầu tự sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Chính sách Xã hội Thanh Hóa sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn, với mức 100 triệu đồng/1 người và không phải thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Thanh Hóa đón công dân về từ TP.HCM bằng máy bay tháng 8/2021. (Ảnh: Đặng Trung)

Tính đến cuối tháng 9/2021, đã có gần 70 lao động trở về từ vùng dịch đăng ký vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 5 tỷ đồng. Hiện, Ngân hàng Chính sách các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

“Thực hiện Phương án 198/PA-UBND, đối với những người trước đây làm công nhân công ty tại các vùng dịch Covid-19, nay về quê muốn tự mở các cơ sở để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống lâu dài, đơn vị chúng tôi sẽ quan tâm, ưu tiên và tạo mọi điều kiện để người dân được vay vốn theo diện giải quyết việc làm. Theo đó, mức vay tối đa là 100 triệu đồng và lãi suất ưu đãi như cho vay đối với các hộ cận nghèo”, ông Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Tp.Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết.

“Riêng, đối với người lao động thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở lên phải có phương án kinh doanh khả thi, có tài sản đảm bảo tiền vay”, ông Hưng cho biết thêm.

Thực hiện phương án, người dân thuộc các đối tượng nêu trên khi có nhu cầu giới thiệu việc làm, đào tạo nghề hoặc có nhu cầu vay vốn có thể tới đăng ký tại UBND chính quyền cơ sở cấp xã hoặc các thôn xóm. Sau đó huyện sẽ tổng hợp, phân loại gửi danh sách tới các cơ quan chuyên môn theo từng nhu cầu của người dân.

“Hiện địa phương đang nhanh chóng triển khai, lên phương án tổng hợp danh sách người dân theo đúng đối tượng tại từng xã, thị trấn. Từ danh sách này, chúng tôi sẽ phân loại và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để có hướng xử lý, hỗ trợ phù hợp theo từng nhu cầu của người dân”, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Trong "Nguy có Cơ"

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện nay số lượng người Thanh Hoá đang lưu trú ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước là trên 330.800 người. Trong đó, chủ yếu là lao động trẻ, tập trung ở nhóm 15- 35 tuổi chiếm 65% và lao động nữ chiếm trên 50%.

Theo thống kê, người lao động Thanh Hóa chủ yếu làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da... và một số hành nghề tự do, tại khắp các thành phố lớn và có nhiều khu công nghiệp trên cả nước như TP.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc giang, Thái nguyên, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Dương…

Trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đón nhận khoảng 166.300 người dân trở về từ các vùng có dịch Covid-19, trong đó có trên 6.200 trẻ em. Do đó, đã tạo sức ép không hề nhỏ đối với các cấp chính quyền để có thể đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, cũng như áp lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, đây lại là một nguồn lao động khổng lồ có thể giúp Thanh Hóa khắc phục được tình trạng thiếu lao động, lao động có tay nghề, kinh nghiệm làm việc tại các khu công nghiệp như hiện nay.

Tỉnh Thanh Hóa những năm qua đang là điểm đến yêu thích của nhiều nhà đầu tư và hiện đang đứng đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, tỉnh này cũng đang thiếu hụt lượng lớn lực lượng lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp.

Công nhân làm việc tại Công ty may Tiên Sơn Thanh Hóa.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh đang có 37 doanh nghiệp với số lượng lao động cần tuyển dụng là hơn 33.000 người. Nhu cầu lao động của các công ty chủ yếu là lao động phổ thông tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam tuyển 1.100 lao động; Công ty TNHH Giầy Aleron Hoàng Long tuyển 2.000 lao động; Công ty TNHH giầy ROLLSPORT 2 Việt Nam tuyển 3.700 lao động; Công ty TNHH MTV TCE JEAN tuyển 1.100 lao động; Công ty TNHH giầy SUNJADE tuyển 1.500 lao động; Công ty TNHH NY Hoa Việt tuyển 2.000 lao động.

“Những năm gần đây, công ty tôi thường không hoạt động hết công suất máy móc, nhưng thường xuyên phải tăng ca do thiếu hụt trầm trọng công nhân”, ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Công ty may Hoàng Sơn, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Vì vậy, với lượng công nhân dồi dào về địa phương, ông Lâm hy vọng sẽ sớm khắc phục được tình trạng này. “Hiện chúng tôi đang thiếu hụt khoảng 500 công nhân, mặc dù đưa ra nhiều chính sách thu hút, ưu đãi như đài thọ chi phí cách ly cho công nhân từ vùng dịch trở về, các chế độ phụ cấp… nhưng vẫn không thể thu hút được đủ số lượng cần thiết. Tôi hi vọng dịp này mọi việc sẽ khác với số lượng lớn lao động trở về địa phương”, ông Lâm nói.

Ngoài tạo nguồn cung số lượng lớn các lao động phổ thông, trong số lượng người dân Thanh Hóa về quê có tới 35% các lao động có tay nghề cao. Hy vọng đây sẽ là nguồn lực không nhỏ giúp nâng tầm, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.

“Trong số những công dân về quê đợt này, có không ít những lao động có trình độ, đang hoạt động ở nhiều ngành nghề đã về địa phương và có thể sẽ ở lại lâu dài như: Kinh doanh bất động sản, marketing, truyền thông, dịch vụ du lịch...

Những lực lượng lao động này về quê, sau nhiều năm làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp tại các công ty, thành phố lớn… hứa hẹn sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy, nâng tầm phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương”, ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết.    

Việt Phương