Dân sinh

Thanh Hóa: Độc đáo bến thuyền nằm sâu trên núi Trường Lệ

Nằm sâu trên núi Trường Lệ (Tp.Sầm Sơn) có hai bến thuyền của ngư dân địa phương, tuy "giấu mình" vào trong núi nhưng nơi đây vẫn ngày đêm tấp nập.

Một chiều mùa thu, men theo Quốc lộ 47 từ Tp.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hướng ra phía biển, mất khoảng 15 phút đi xe, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh núi Trường Lệ (Tp.Sầm Sơn) nằm vững chãi ngay phía bên phải, trải dài ra mép sóng và bao bọc lấy thành phố biển này.

Đường xuống bến thuyền với hai bên là rừng đặc dụng trên núi Trường Lệ.

Đối với người dân Sầm Sơn, Trường Lệ là ngọn núi thiêng, gắn liền với sự tích Thần Độc Cước phân đôi thân mình giúp ngư dân đánh đuổi loài quỷ dữ, đem lại bình yên cho dân làng.

Cùng với đó, trên ngọn núi này còn có một quần thể những công trình, danh thắng gắn liền nhiều sự tích, văn hóa địa phương vừa được Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2019. Có thể kể tới như: Đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành, hòn Trống Mái, di tích biệt thự Vua Bảo Đại... cùng bạt ngàn gần 200ha rừng đặc dụng.

Mặc dù vậy, ít ai có thể nghĩ rằng nằm sâu trên núi Trường Lệ lại tồn tại 2 bến thuyền của ngư dân địa phương, "giấu mình" vào núi nhưng vẫn ngày đêm tấp nập thuyền bè ra vào.

Rất đông thuyền neo đậu tại Bến Lãng.

Đây là 2 bến thuyền nằm sâu trong núi, được người dân nơi đây gọi với tên Bể Lãng và Cô Tiên. Mỗi khi ngư dân muốn ra khơi phải trải qua hành trình vượt qua sườn núi Trường Lệ từ hướng bãi tắm A, thuộc phường Trường Sơn, Tp.Sầm Sơn. Sau đó, ngư dân lại phải tiếp tục trèo xuống sườn núi để tới bến thuyền. Lúc này, ở bến những chiếc thuyền của ngư dân địa phương đang neo đậu, đã sẵn sàng theo chủ ra khơi.

Theo quan sát, cả hai bến thuyền kể trên có chiều dài mặt biển khoảng 500m, được chặn lại 2 đầu bởi những vách núi cao, dốc và chạy sát ra mép biển. Từ đó, đã tạo ra những âu tàu tránh bão tự nhiên, có thể chắn sóng và gió rất hiệu quả. Vì vậy, mặc dù bãi biển Sầm Sơn sóng rất lớn nhưng ở đây lại rất lặng. 

Tuy nước lớn nhưng bến Cô Tiên vẫn rất lặng sóng.

“Bến thuyền đã có từ xa xưa rồi, thời ông tôi đã tới đây khai phá dựng bến. Do nằm sâu trong núi nên bến này ít sóng, vì vậy các ngư dân dễ dàng vượt sóng ra khơi, cả những hôm biển động”, bà Hoàng Thị Lan, đã 70 tuổi, chủ bến thuyền cho biết.

Anh Nguyễn Văn Phước - con trai bà Lan đang đi kiểm tra ngư cụ tại bến Bể Lãng.

Ngoài ra, bà Lan cũng chia sẻ thêm, đây còn là nơi các cụ ông lão luyện chọn làm điểm dạy nghề cho những ngư dân trẻ vì biển ở đây rất lặng sóng. “Mỗi khi nhà nào có con lớn, muốn tập cho đi biển thì các cụ ông lại đưa các cháu ra đây huấn luyện vì sóng rất lặng”, bà Lan cho hay. 

Một em nhỏ theo bố mẹ ra bến Cô Tiên chơi đùa, tắm biển.

Với lợi thế địa lý của núi Trường Lệ “ăn” sâu ra biển, vậy nên việc neo đậu thuyền ở đây tiết kiệm được nhiều chi phí về nhiên liệu và thời gian đánh bắt.

“Từ bến thuyền này chỉ cần chạy khoảng 3 đến 5km là tới ngư trường, từ các bến khác phải mất gấp đôi quãng đường. Vì vậy, chúng tôi cũng không phải dậy quá sớm để ra khơi. Có “con nước” như hôm nay chỉ cần chạy ra khoảng 5 phút là có thể thả lưới được ngay”, ngư dân Nguyễn Hữu Được chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Được đang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi.

Tuy nhiên, phương tiện đánh bắt ở đây tương đối thô sơ với những chiếc thuyền nhỏ, công suất máy khoảng 10CV và thường chỉ có một người đi. Chính vì vậy, thu nhập của ngư dân nơi đây cũng bấp bênh theo sóng nước, ngày được ngày không.

“Thu nhập của chúng tôi cũng tùy theo con nước, ngày may mắn có thể kiếm hơn một triệu đồng, có ngày lại lỗ tiền dầu, gặp bão gió thì lại nghỉ cả tuần. Cùng với đó là chi phí khấu hao máy móc và lưới đánh bắt rất nhanh hỏng, mỗi tháng phải thay mất tiền triệu”, anh Được chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Văn Tạo, chủ bến thuyền Cô Tiên đang tranh thủ vá dặm những mảng lưới rách bên con gái.

Do có nhiều điều kiện thuận lợi, vì vậy, tại 2 bến thuyền này tập trung hơn 100 phương tiện đánh bắt của ngư dân địa phương. Hàng tháng, mỗi chủ phương tiện sẽ trả hơn 200.000 đồng tiền phí trông coi và các máy móc hỗ trợ việc di chuyển phương tiện lên bờ hoặc ra khơi.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian ngắn sắp tới, có thể 2 bến thuyền này sẽ phải di dời để nhường chỗ cho dự án Khu vườn đảo hoang và hoài niệm, thuộc khu du lịch văn hóa sinh thái núi Trường Lệ, vừa được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 12/3/2021.

Một số hình ảnh độc đáo của 2 bến thuyền trên núi Trường Lệ:

Đường dẫn tới bến thuyền được bao quanh bởi tán rừng đặc dụng xanh ngút ngàn.

Để xuống bến Lãng, ngư dân phải leo xuống một đoạn chừng 50m dốc đứng.

Bến tuyền tấp nập ngay trước mắt.

Ngư dân đang sửa soạn ngư cụ.

Một chiếc thuyền vừa cập bến...

...đem theo hải sản mới được đánh bắt về tươi rói.

Ngư dân dùng máy tời để đưa thuyền lên bờ.

Ngư cụ được người dân phơi ngay bên vách núi.

Người nhà ngư dân vất vả chuyển hải sản vượt núi tới nơi đậu xe...

...nhanh chóng đưa lên xe chuyển ra chợ bán.

Bến thuyền nhìn từ xa bên vách núi Trường Lệ.

Việt Phương