Văn hoá

Thanh Hóa: Di tích liên tiếp bị xâm hại và câu chuyện giải pháp

Thanh Hoá liên tục có văn bản tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử khi tình trạng xâm hại vẫn liên tiếp diễn ra trên địa bàn.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa qua, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Việc tỉnh Thanh Hóa ra văn bản chỉ đạo trên được cho xuất phát từ nguyên nhân thời gian qua trên địa bàn tỉnh này tiếp tục phát hiện nhiều vụ xâm hại di tích, trong đó, có các di tích đã bị xâm hại mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, khó có khả năng phục hồi.

Theo đó, trong vòng hơn một năm qua, các di tích bị xâm hại trên địa bản tỉnh Thanh Hóa có thể kể tới như: Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia động Hồ Công, chùa Quan Thánh (P.An Hưng, Tp.Thanh Hóa) thuộc cụm Di tích lịch sử quốc gia về nghệ thuật điêu khắc đá núi Nhồi, di tích đền Nưa thuộc Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn)... 

Tượng và các bài thơ cổ của tiền nhân khắc trên đá bị tô màu và đóng đinh tại di tích chùa Quan Thánh.

Ngoài các di tích cấp Quốc gia, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã phát hiện nhiều di tích cấp tỉnh bị xâm hại trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Hậu quả, một số di tích sau khi phát hiện bị xâm hại đã không còn được xếp hạng do mất đi những giá trị cần bảo tồn, tiêu biểu như di tích Nhà thờ dòng họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa); Chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn), cả 2 di tích này sau đó đã bị hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 

Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng xác định, phần lớn các di tích bị xâm hại chủ yếu tới từ quá tình trùng tu, tôn tạo di tích. Theo đó, một số cá nhân khi được giao trông giữ các di tích này đã tự ý thực hiện việc tu sửa, "thêm bớt", can thiệp vào hiện trạng các di tích.

Tại vụ xâm hại di tích chùa Quan Thánh, bà Lê Thị T. (người địa phương, trông coi chùa) giải trình, trong thời gian trông coi chùa Quan Thánh do thấy các di tích trên bị mốc đen nên đã thuê thợ về sơn vẽ lại với số tiền 8 triệu đồng. Toàn bộ chi phí đều do bà T. tự bỏ ra. Khi chia sẻ với báo giới, bà Lê Thị T. cũng cho biết, tất cả những việc làm ở chùa Quan Thánh kể trên đều do bà tự ý làm, không xin phép hay báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

 Sau khi ban hành văn bản xử lý liên quan xâm hại chùa Quan Thánh, người dân lại tiếp tục phát hiện xâm hại tại di tích động Hồ Công.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, sau khi phát hiện các vụ xâm hại, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chuyên trách đã tiến hành khắc phục và xử phạt các cá nhân có các hành vi xâm hại di tích. Đơn cử vừa qua, Chủ tịch UBND Tp.Thanh Hóa đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” đối với 2 cán bộ UBND phường An Hưng và phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc 6 cán bộ khác thuộc UBND phường và các đơn vị thuộc UBND Tp.Thanh Hóa vì để di tích Quốc gia chùa Quan Thánh bị xâm hại.

Tiếp đó, trường hợp xâm hại tại động Hồ Công, sau khi chỉ đạo kiểm tra khắc phục, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng đối với bà Trịnh Thị Xứng (pháp danh Thích Đàm Hải) là trụ trì chùa Du Anh (xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) do thực hiện hành vi vi phạm hành chính như bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng quy định của pháp luật. 

Tuy vậy, trong lĩnh vực quản lý di tích hiện còn tồn tại nhiều vấn đề "nan giải", khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn để xử lý triệt để. Như vụ việc xâm hại tại đền Nưa, người trông đền đã tự ý "hạ giải" cấu kiện gỗ tại đền để thay bằng các cấu trúc bê tông. Mặc dù, được phát hiện nhưng địa phương cũng khó có phương án xử lý phù hợp do yếu tố "lịch sử để lại", bởi người trông coi đền Nưa hiện tại đã được tiếp nhận, kế thừa trông coi ngôi đền mà trước đó từ thời cha ông của người này đã gây dựng từ hàng nhiều năm trước.  

Đền Nưa, An Tiêm bị xâm hại "bê tông hóa" thay thế cho các khung gỗ, kiến trúc cũ bị hạ giải, đắp đống. 

Liên quan tình trạng trên, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý nghiêm việc xâm hại và tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn di tích. Trên tinh thần đó, trong tháng 4 mới đây, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Đáng chú ý, trước đó khoảng một năm, trong tháng 4/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh tình trạng xâm hại di tích.

Theo nội dung văn bản trên, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, giám sát tại các di tích nhằm phòng ngừa, sớm phát hiện và ngăn chặn việc các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm đối với di tích, đảm bảo hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật... Tổng hợp kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về di sản văn hóa, nhất là hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về di sản văn hóa; đồng thời có biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra việc tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Văn bản cũng nêu trách nhiệm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thuộc trách nhiệm của mình và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm đối với di tích theo đúng quy định của pháp luật

Về tình trạng xâm hại di tích, trong năm 2022, Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với một lãnh đạo Sở VH-TT-DL Thanh Hóa và được biết, để xảy ra tình trạng xâm hại là do cả yếu tố khách quan và chủ quan như trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 1.500 di tích, trong khi nhân lực hạn chế khiến các cơ quan chuyên trách gặp nhiều khó khăn.

Trụ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Cũng trong buổi trao đổi tại thời điểm năm 2022, Sở VH-TT-DL cho biết, đơn vị này đã có những phương án, hướng dẫn cụ thể phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đẩy mạnh tuyên tuyền, tổ chức các hội nghị tập huấn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cũng như địa phương trong công tác hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của tỉnh để bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Thực tế, mặc dù tỉnh Thanh Hóa liên tục có các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, nhưng tình trạng xâm hại di tích trên địa bàn vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", khi vẫn liên tiếp phát hiện nhiều di tích bị xâm hại. Với tính chất đặc thù, nhiều di tích sau khi bị xâm hại rất khó khắc phục, có trường hợp không thể khắc phục, đánh mất giá trị lịch sử cần bảo tồn. Vì vậy, đòi hỏi ngành văn hóa xứ Thanh cần có giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn việc xâm hại di tích.

Thanh Hóa hiện có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia và 709 di tích cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được đầu tư, nâng cấp, tôn tạo.

Việt Phương