Văn hoá

Thanh Hóa: Dâng hương nhân kỷ niệm 588 năm ngày mất vua Lê Thái Tổ

Nhân dịp 588 năm ngày mất vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ dâng hương thành kính tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Sáng 28/9 (tức 22/8 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và các thành viên đoàn đã dâng hương tưởng nhớ nhân dịp 588 năm ngày mất vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lăng mộ vua Lê Thái Tổ giản dị, hòa với thiên nhiên tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Theo phong tục địa phương, hàng năm cứ tới ngày 21 và 22/8 âm lịch, là ngày chính lễ của Lễ hội Lam Kinh. Đây là lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, tướng sĩ đã có đóng góp to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.

Theo thông báo từ Ban tổ chức, năm nay do dịch Covid-19 nên tỉnh Thanh Hóa không tổ chức phần Hội mà chỉ tổ chức dâng hương theo nghi thức truyền thống tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc).

Năm 1407, quân Minh đánh bại nhà Hồ, đặt ách đô hộ lên nước ta, đặt nước ta thành quận Giao chỉ. Như vậy, sau khoảng 500 năm từ ngày Ngô Quyền giành lại độc lập từ tay giặc phương Bắc, chưa bao giờ tình thế đất nước lại nguy cấp tới vậy. Nhằm thực hiện âm mưu thâm độc thôn tính, chúng đã đốt phá kho tàng, xóa bỏ văn hóa lịch sử, đồng hóa dân tộc ta.
 
Trước tình thế đó, Lê Lợi vốn là Hào trưởng truyền đời tại vùng đất Lam Sơn với uy danh một phương. Tuy được nhà Minh nhiều lần dụ dỗ bổng lộc, quan tước nhưng ông đã từ chối và ôm chí giải phóng dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của giặc phương Bắc.
 
Bằng tài năng của mình, Lê Lợi đã quây tụ anh hùng hào kiệt, tổ chức Hội thề Lũng Nhai, dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh trên khắp bờ cõi, trở thành một trang sử hào hùng của dân tộc.
 
Sau khi giành độc lập, vua Lê Thái Tổ và các vị vua thời Lê sơ đã mở ra thời kỳ phồn vinh lên tới cực thịnh của dân tộc ta.