Dân sinh

Thanh Hóa: Đàn hổ chết mòn chờ "cơ chế"

Đàn hổ dữ gồm 11 cá thể, được nuôi nhốt tại một cơ sở tư nhân đang đứng trước nguy cơ "chết mòn" trong cũi sắt.

Tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tồn tại tình trạng đàn hổ đang được nuôi nhốt với giấy phép đã hết hạn từ năm 2017, nhưng hiện vẫn chưa được các ngành chức năng giải quyết dứt điểm.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm Lâm Thọ Xuân, đàn hổ gồm 11 cá thể hổ Đông Dương thuần chủng (4 cá thể đực và 7 cá thể cái), cân nặng từ 100kg đến 200kg mỗi cá thể, đang được nuôi nhốt ở cồn Tàu Voi, thôn 17, xã Xuân Tín.

Theo hồ sơ vụ việc, đây là đàn hổ được ông Nguyễn Mậu Chiến (SN 1970), trú xã Xuân Tín, đưa về nuôi nhốt trái phép từ năm 2006. Tới năm 2007, Cơ quan chức năng đã phát hiện, xử phạt ông Chiến 30 triệu đồng và cho phép được tiếp tục chăm sóc.

Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 con hổ khác và một lần nữa bị phạt 30 triệu đồng. Trong quá trình nuôi nhốt từ năm 2008 đến năm 2012, đã có 5 cá thể hổ bị chết.

Hình ảnh cá thể hổ đang được nuôi nhốt tại trại nuôi của hộ gia đình ông Chiến.

Cũng theo Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân, trại hổ ban đầu được đặt tại xóm 27, xã Xuân Tín. Khi đàn hổ dần trưởng thành đã gây ô nhiễm cùng tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân xung quanh mỗi khi hổ gầm rú hoặc đến kỳ động dục. Do đó, gia đình ông Chiến đã thuê 4.000m2 đất ở cánh đồng cồn Tàu Voi, cách vị trí cũ khoảng 2,5km.

Tại trại nuôi mới, chủ cơ sở đã bổ sung thêm nhiều hạng mục như: Nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... đồng thời, chuồng nuôi cũng được xây tường bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40, cao 4,5m và có 3 lớp cửa kiên cố. Chỉ khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra, người quản lý trại hổ là ông Trịnh Đình Bạch, 62 tuổi, mới dẫn vào.

Theo chia sẻ của ông Bạch, công việc hàng ngày của ông chủ yếu vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào và chia thức ăn cho đàn hổ. Mỗi ngày đàn hổ tiêu thụ khoảng 100kg thức ăn trong mùa lạnh, ngày nóng thì sẽ ít hơn, trong đó thức ăn cho hổ chủ yếu là đầu gà, thi thoảng có thêm thịt bò và lợn loại rẻ tiền… Tổng chi phí duy trì trại nuôi ước tính khoảng trên dưới 65 triệu đồng mỗi tháng tùy thời điểm.

Ông Bạch đang chuẩn bị bữa ăn cho đàn hổ là đầu gà đã được cấp đông.

Cũng theo ông Bạch, sức khỏe đàn hổ hiện tương đối ổn định, nhưng do điều kiện chuồng chật hẹp, vào kỳ động dục hổ đực thường tấn công nhau để giành bạn tình, khiến một số con bị thương. Tuy nhiên, theo ông Bạch, có thể do nuôi nhốt trong không gian nhỏ cùng nguồn dinh dưỡng hạn chế nên đàn hổ không sinh sản thêm cá thể mới trong thời gian qua dù đã trưởng thành.

Trước gánh nặng về chi phí nuôi dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất của chuồng trại, cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của đàn hổ. Từ tháng 10/2018, hộ gia đình ông Chiến đã nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc tổ chức phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để do vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn mà phía gia đình ông Chiến yêu cầu.

Qua trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân cho biết, đàn hổ đã hết giấy phép nuôi nhốt từ năm 2017 và chưa được cấp phép trở lại do vướng mắc các quy định pháp luật, nhưng cũng không có căn cứ để tịch thu số hổ trên. Định kỳ 3 tháng một lần, lực lượng liên ngành sẽ kiểm tra trại hổ một lần, còn kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thì hàng tuần phải đến nắm số lượng, kiểm tra mức độ an toàn chuồng trại hoặc môi trường sinh thái... Mỗi lần kiểm tra đều được lập biên bản có chữ ký xác nhận của các bên. Gia đình ông Chiến được chăm nuôi, song không được phép di chuyển hoặc thay đổi hiện trạng đàn hổ.

"Hàng tuần chúng tôi sẽ vào kiểm tra tính nguyên trạng đàn hổ cũng như việc đảm bảo an toàn của chuồng trại nuôi nhốt, đồng thời, hàng quý thì sẽ có đoàn liên ngành vào kiểm tra. Sức khỏe đàn hổ tương đối ổn định, tuy nhiên, chuồng trại đã có dấu hiệu xuống cấp. Vì vậy, qua quá trình kiểm tra chúng tôi khi phát hiện các nguy cơ sẽ yêu cầu chủ cơ sở khắc phục, gia cố chuồng trại để đảm bảo an toàn.

Trước đây, đàn hổ của gia đình ông Chiến đã được cơ quan chức năng cấp giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản, song đã hết hạn vào giữa năm 2017. Sau khi hết phép, chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến của Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, là đơn vị cấp phép động vật hoang dã thuộc nhóm 1. Tuy nhiên, hiện đàn hổ vẫn chưa được cấp phép hay có hướng xử lý cụ thể"- ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân cho biết.

Theo Wikipedia, hổ Đông Dương hay hổ Corbett (danh pháp khoa học: Panthera tigris corbetti) là một phân loài hổ sống chủ yếu ở bán đảo Đông Dương, được tìm thấy tại Campuchia, Lào, Malaysia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.

Hộp sọ của hổ Đông Dương nhỏ hơn hổ Bengal, bộ lông có màu nền tối hơn với các sọc đơn ngắn hơn và hẹp hơn. Về kích thước cơ thể, chúng cũng nhỏ hơn hổ Bengal và hổ Siberi.

Hổ Đông Dương đực trưởng thành dài khoảng 2,55 – 2,85m, cân nặng khoảng 150-195kg. Một con hổ đực trưởng thành trung bình dài khoảng 2,74m và cân nặng khoảng 180kg. Mặc dù vậy, một số cá thể lớn có thể cân nặng trên 250kg.

Hổ Đông Dương cái trưởng thành dài khoảng 2,30-2,55m, cân nặng 100–130kg, với hộp sọ dài tối đa 275–311mm. Một con hổ cái trưởng thành trung bình dài khoảng 2,44m và cân nặng khoảng 115kg.

Sau khoảng từ 3 - 4 tháng mang thai, hổ Đông Dương cái sẽ sinh con, một lứa khoảng 5 con. Hổ Đông Dương mới sinh nặng khoảng 1kg và sẽ bú sữa mẹ trong 18 tháng đầu. Sau 18 tháng, chúng bắt đầu tự săn mồi.

Một số hình ảnh được ghi nhận tại trại nuôi hổ.

Ông Bạch mở cửa khi lực lượng chức năng tới kiểm tra.

 

Trại hổ được quây kín bằng tường và thép B40 trên khu đất rộng khoảng 4.000m2.