Sự kiện

Thanh Hóa đã sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 7 đổ bộ vào bờ

Các phương tiện đánh bắt trên biển đã vào bờ để trú ẩn tránh bão, chính quyền rà soát, kiên quyết di dời tài sản và người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h ngày 14/10, vị trí tâm bão số 7 trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 km/h.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với bão và không khí lạnh nên từ ngày 14-16/10, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, khu vực đồng bằng ven biển và phía nam, tây nam có nơi trên 300 mm, nguy cơ cao xảy ra lốc và gió giật mạnh; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.

Ngày 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có công điện khẩn gửi cho tất cả các cơ quan, đơn vị về công tác phòng, chống cơn bão số 7. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.

Ngư dân TP.Sầm Sơn đưa thuyền lên đường Hồ Xuân Hương tránh bão.

Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú. Tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến và các khu vực cửa sông, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển.

Tổ chức cấm biển từ 19h00 ngày 13/10/2020 đến khi bão suy yếu và tan dần. Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.

Tàu thuyền của ngư dân vào âu thuyền Quảng Cư tránh bão.

Tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình bị sự cố, đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, hồ đập nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra. Triển khai các biện pháp bảo vệ công trình, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, khu vực khai thác khoáng sản, các trang trại. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, chặt tỉa cành cây…

Theo ghi nhận, tại huyện Quảng Xương, địa phương có 843 phương tiện là tàu, thuyền, bè, mảng với 3.562 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn. Trong đó, 98 phương tiện tránh, trú tại tỉnh Quảng Ninh và 29 phương tiện tránh trú tại Hải Phòng.

Huyện Quảng Xương đã triển khai các nhiệm vụ cho ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn trên địa bàn, các xã ven biển phối hợp với bộ đội biên phòng lên phương án sẵn sàng di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra. 

Tại TX.Nghi Sơn có 693 phương tiện nghề cá đã vào khu neo đậu tránh, trú bão an toàn. Các trạm biên phòng tuyến biển bố trí lực lượng hướng dẫn các chủ phương tiện chằng chéo, neo đậu tàu thuyền an toàn. Các đơn vị rà soát phương án, sẵn sàng di dân khi có lệnh. Đồng thời lên phương án bảo đảm an toàn cho khu vực cảng biển, các nhà máy sản xuất công nghiệp và các công trình xây dựng trọng điểm.

Chính quyền địa phương huyện Hoằng Hóa giúp ngư dân đưa bè lên bờ trước khi cơn bão số 7 đổ bộ vào bờ.

Tại TX.Nghi Sơn, đến sáng nay, trong số 132 tàu thuyền đánh bắt trên biển có 120 tàu đã về neo đậu tại địa phương, 11 tàu vào tỉnh Quảng Ninh và 1 tàu đang ở Phú Quốc (Kiên Giang).

Trên địa bàn có 1 tàu làm dịch vụ gặp sự cố, xã đã cử lực lượng dân quân tự vệ, công an xã,… đến hỗ trợ khắc phục, neo đậu. Xã đã hướng dẫn cho 74 hộ nuôi cá lồng thực hiện giãn cách lồng, các lứa cá đủ kỳ sinh trưởng cho xuất bán ngay. Đặc biệt, sáng nay, các lực lượng của xã đã đến hỗ trợ, đưa 67 hộ dân sống bên các sườn núi, các vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Rút kinh nghiệm về những cơn bão trước tại vùng núi, các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Như Thanh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước ... đã chủ động rà soát, kiên quyết di dời tài sản và người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, các điểm xung yếu thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập nước. 

Xuân Chinh - Việt Phương