Giáo dục

Thanh Hóa: Chương trình đào tạo CLC đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử"

Sau 4 khóa, các lớp sư phạm chất lượng cao có điểm đầu vào suýt soát 30 điểm của Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã dừng tuyển sinh.

Lò luyện nhân tài sư phạm xứ Thanh

Theo thông tin từ Trường đại học Hồng Đức, từ năm 2023, trường này sẽ dừng tuyển sinh theo đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học đối với các ngành sư phạm gồm: Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử. Trong những năm qua, các khối ngành này luôn thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước với điểm tuyển sinh rất cao, có năm lên tới trên mức điểm tối đa 30 điểm (tính cả điểm ưu tiên).  

Theo đó, các khóa tuyển sinh 4 ngành sư phạm trên đã được trường Đại học Hồng Đức bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2018. Việc tuyển sinh các khối ngành trên thuộc đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Trong giai đoạn 2018-2022, Trường đại học Hồng Đức tuyển sinh được tổng 239 sinh viên tại 4 ngành. Khóa đầu tiên đã có 22 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 11 sinh viên xếp loại Xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi.

Quanh cảnh một lớp luyện "gà nòi" của xứ Thanh.

Theo lãnh đạo nhà trường, đề án trên được khai sinh do xuất phát từ tình hình thực tế, giai đoạn 2010-2017 các khối ngành sư phạm tại Thanh Hóa cũng như trên cả nước rất khó khăn để thu hút các lứa sinh viên chất lượng, dẫn tới điểm trúng tuyển thấp.

"Thời điểm khai sinh đề án, khối ngành sư phạm rất khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Đây rõ ràng là vấn đề nghiêm trọng, vì vậy, tỉnh Thanh Hóa khai sinh đề án đào tạo chất lượng cao ngành sư phạm theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Thanh Hóa và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Thực tế, đề án trên đã tuyển được nhiều sinh viên xuất sắc với điểm đầu vào có ngành vượt 30 điểm", PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. 

PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức.

Cũng theo vị lãnh đạo nhà trường, những sinh viên xuất sắc trúng tuyển vào các hệ đào tạo này ngoài những ưu đãi cùng các điều kiện đào tạo chất lượng cao cũng sẽ đối mặt với áp lực không hề nhỏ.

Theo đó, các ngành đào tạo này chỉ tuyển sinh mỗi khóa một lớp với số lượng từ 20 tới 25 sinh viên để đảm bảo tối ưu chất lượng. Trong quá trình học, các sinh viên này sẽ phải "ngốn" một lượng kiến thức chuyên sâu, nhiều hơn khoảng 15 đến 20% số tín chỉ so với các chương trình bình thường.

Song song với đó là các môn học chuyên sâu, thảo luận, đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, đảm bảo các sinh viên khi ra trường có nền tảng kiến thức chuyên sâu ngành và toàn diện.

Đáng chú ý, để đào tạo những “gà nòi” này, các giảng viên đứng lớp sẽ phải có trình độ từ Tiến sĩ trở lên và có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, nghiên cứu. 

Theo chia sẻ từ giảng viên phụ trách các lớp đặc biệt này, các sản phẩm khóa đầu tiên chương trình đào tạo chất lượng cao của trường đã bắt đầu ra trường và đã ghi nhận được những phản hồi tích cực.

"Trong quá trình giảng dạy cũng như khi các em đi kiến tập, thực tập tại các trường THPT đều nhận được phản hồi, đánh giá rất tốt. Đây cũng là niềm vui rất lớn khi những sản phẩm đầu tiên của chương trình đào tạo này đã có thành quả ghi nhận ban đầu", cô Nguyễn Thị Giang, giảng viên trực tiếp đứng lớp cho biết.

Hoàn thành sứ mệnh

Năm 2018, Trường Đại học Hồng Đức bắt đầu thực hiện đề án đào tạo chất lượng cao ngành sư phạm theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT chất lượng cao tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030.

Theo đó, các sinh viên theo học một số khối ngành sư phạm chất lượng cao sẽ được hỗ trợ, ưu đãi lớn về chi phí sinh hoạt, học bỗng cũng như các điều kiện học tập. Ngoài ra, khi hoàn thành khóa học, tốt nghiệp ra trường các sinh viên này sẽ được xem xét ưu tiên trong tuyển dụng.

Từ khi đề án đi vào thực hiện, đã tạo bước ngoặc về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho nhóm ngành sư phạm sau nhiều năm bị các thí sinh "ngó lơ". Các lớp chất lượng cao kể trên thuộc đề án luôn thường xuyên, hoặc dao động mức điểm trúng tuyển trên dưới 30 điểm. 

Đề án đã thu hút đông đảo sinh viên chất lượng cao cho các khối ngành sư phạm.

Tới năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực đã thu hút nhiều học sinh khá, giỏi đăng ký học các ngành sư phạm. Từ đó, cơ bản thay đổi bộ mặt tuyển sinh chung của khối ngành sư phạm trong cả nước.

Theo Nghị định 116, ngoài miễn học phí, mỗi sinh viên theo học ngành sư phạm sẽ được cấp thêm 3.630.000 đồng/tháng hỗ trợ chi phí sinh hoạt cùng nhiều ưu đãi khác. Đây có thể xem như bước ngoặc, giải quyết kịp thời bài toán chung cho cả nước về thu hút nhân lực chất lượng cao vào khối ngành sư phạm. Đồng thời, thể hiện quyết tâm và sự quan tâm của Chình phủ cũng như người dân cả nước đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. 

Trên cơ sở đó, vừa qua, sau khi đánh giá những yếu tố chung mang tính chiến lược, Trường đại học Hồng Đức đã quyết định dừng việc tuyển sinh các lớp sư phạm chất lượng cao thuộc đề án.

Trường đại học Hồng Đức.

Nhận định về việc chấm dứt đề án, đại diện nhà trường cho rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ chung từ Chính phủ, cụ thể là khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP năm 2020 ra đời đã thay đổi cơ bản việc thu hút các sinh viên chất lượng trong khối ngành sư phạm.

"Từ khi Nghị định 116 ra đời, đã giải quyết triệt để vấn đề thu hút nguồn nhận lực vào khối ngành sư phạm trên cả nước, với nhiều ưu đãi, hỗ trợ, từ đó chúng tôi đã có thể thu hút, tuyển sinh được các lứa sinh viên chất lượng. Trong khi đó, nếu vẫn duy trì các lớp chất lượng cao thì sẽ lãng phí nguồn lực và không thực sự cần thiết, nói cách khác là đề án đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử", vị Hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức chia sẻ.  

Việt Phương