Kinh tế vĩ mô

Thanh Hóa: Bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm và những con số

Năm 2023, Thanh Hóa gần như sẽ rời nhóm tỉnh, thành thu ngân sách trên 50.000 tỷ đồng. Tuy vậy, hoạt động kinh tế xã hội vẫn phát triển ổn định theo hướng bền vững.

Các khoản thu "đột biến" giảm mạnh

Theo thông tin trong báo cáo 9 tháng của tỉnh Thanh Hóa, tính tới cuối quý III/2023, địa phương này ghi nhận thu ngân sách trên 28.728 tỷ đồng, đạt 81% dự toán năm, nhưng giảm 27% so với cùng kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thanh Hóa chắc chắn sẽ mất vé vào "CLB 50.000 tỷ"- là nhóm những tỉnh, thành phố có mức thu ngân sách năm trên 50.000 tỷ đồng, sau 1 năm gia nhập. 

Theo đó, 9 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn Thanh Hóa sụt giảm cả về thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy vậy, mức giảm này cũng đã được địa phương dự báo trước trong dự toán thu đầu năm, khi các khoản thu đột biến trong năm 2022 có xu hướng giảm mạnh trong năm 2023. 

Thu ngân sách từ đất tại Thanh Hóa giảm mạnh khi thị trường bất động sản đóng băng.

Cụ thể, thu nội địa trên địa bàn chỉ đạt hơn 17.638 tỷ đồng, bằng 71,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu tiền sử dụng đất chỉ đạt hơn 4.973 tỷ đồng, bằng 70% dự toán năm, và bằng 46,6% so với cùng kỳ khi bong bóng bất động sản vỡ, giao dịch ảm đạm trong năm 2023. Đáng chú ý, thu từ đất là khoản thu đóng góp tỷ trọng lớn trong thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2022 với hơn 13.000 tỷ đồng. 

Đồng thời, do chính sách miễn giảm thuế, phí, cùng với tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động khó khăn cũng kéo theo sự sụt giảm các khoản thu như: thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước hơn 232 tỷ đồng, đạt 42,3% dự toán năm và bằng 48,7% so với cùng kỳ; thuế bảo vệ môi trường hơn 925 tỷ đồng, đạt 47,5% dự toán và bằng 64,5% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân 706 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán và bằng 65,4% so với cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ 587 tỷ đồng, đạt 59,9% dự toán, bằng 69,5% so với cùng kỳ.

Song song với sự sụt giảm thu nội địa, thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Hải quan Thanh Hóa đạt khoảng 8 tỷ USD, thu ngân sách đạt trên 11.000 tỷ đồng, bằng 81% dự toán năm và giảm 27% so với mức gần 15.000 tỷ cùng kỳ năm 2022. 

Theo đó, 9 tháng thu từ hoạt động nhập khẩu đạt mức 9.000 tỷ đồng, trong đó, thu từ nhập khẩu dầu thô phục vụ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ghi nhận mức 8.800 tỷ đồng, giảm 70% so với mức thu hơn 12.250 tỷ đồng cùng kỳ. Sự giảm thu này được dự báo trước từ việc cắt giảm nhập khẩu dầu thô do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải dừng hoạt động (từ 28/8-13/10) để bảo dưỡng định kỳ. Tiếp đó, sự biến động giảm của giá dầu thô trên thế giới cũng khiến khoản thu từ các hoạt động liên quan có xu hướng giảm theo. Ngoài ra, các khoản thu từ các mặt hàng nhập khẩu khác cũng ghi nhận sự sụt giảm nhẹ trước khó khăn của kinh tế thế giới khi đạt mức 1.800 tỷ đồng, giảm khoảng 24% so với mức 2.330 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. 

Hướng đến phát triển bền vững

Theo báo cáo 9 tháng của tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết quý 3/2023, tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển ổn định. Trong đó, kinh tế tại địa phương này tiếp tục duy trì đà phát triển tốt, khi dẫn đầu khu vực Bắc miền Trung và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP.

Theo đó, qua 9 tháng Thanh Hóa ghi nhận giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng 7,72%. Tốc độ tăng trưởng này đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh thành có quy mô kinh tế lớn nhất và vượt xa con số tăng trưởng GDP 4,24% của cả nước. Đây có thể xem là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam còn nhiều khó khăn, trong đó, ấn tượng khi một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, mang tính bền vững ghi nhận tăng trưởng tốt.

Cụ thể, thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 2.348 tỷ đồng, bằng 89,6% dự toán, tăng 17,6% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5.340 tỷ đồng, vượt 22,8% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dù nhiều khó khăn nhưng tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt trên 8 tỷ USD.

Các chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54%, với 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng hoặc tương đương với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm tăng mạnh như điện sản xuất (tăng 75,4%), dầu và mỡ bôi trơn (tăng 68,7%), thức ăn gia súc (tăng 16,1%), giấy bìa các loại (tăng 13,8%), benzen (tăng 13%)...

9 tháng, Thanh Hóa ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm dẫn đầu cả nước, trong đó các ngành mang tính "bền vững" chiến lược như: công nghiệp, dịch vụ, thương mại... tăng trưởng tốt. 

Về hoạt động thương mại dịch vụ, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm với doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ ước đạt 127.332 tỷ đồng, tăng 14,2%, giá trị xuất khẩu ước đạt 3.773 triệu USD, giá trị nhập khẩu ước đạt 5.737 triệu USD. Đáng chú ý, tổng lượng khách du lịch ước đạt gần 12 triệu lượt, tăng 12,4% và doanh thu tăng 18,9%; hoạt động vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân với kết quả vận chuyển hàng hóa tăng 14,8%, vận chuyển hành khách tăng 38,6%, doanh thu vận tải tăng 27,9%.

Một số ngành nghề truyền thống tại địa phương cũng ghi nhận sự phát triển mạnh như sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có bước phát triển khá toàn diện. Sau 9 tháng toàn tỉnh đã gieo trồng được hơn 390 nghìn ha, tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,57 triệu tấn, chuyển đổi 2.458,9 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt hơn 216 nghìn tấn; trồng mới 8.850 ha rừng tập trung, không để xảy ra cháy rừng; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 160.287 tấn. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Về công tác xã hội, toàn tỉnh đã có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP tỉnh. Công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương đã tập trung rà soát, xây dựng các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm tại chỗ để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, sớm đưa vào sử dụng.

Như vậy, mặc dù trượt khỏi nhóm CLB thu ngân sách 50.000 tỷ, nhưng Thanh Hóa vẫn có thể "yên tâm" khi các chỉ số kinh tế quan trọng đang cho thấy hướng phát triển khả quan. Đồng thời, cho thấy vai trò quan trọng trong việc phát triển các nguồn thu bền vững, kết hợp với việc tranh thủ tận dụng các nguồn thu đột biến tạo động lực thúc đẩy cho các kế hoạch dài hơi. 

Trao đổi với Người Đưa Tin, Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, rõ ràng quy mô kinh tế của Thanh Hóa ngày càng được mở rộng và tăng trưởng nhanh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn luôn trong nhóm dẫn đầu của cả nước và cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. 

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở xây dựng phương hướng mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để phát triển kinh tế, Thanh Hóa xác định tập trung vào 6 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những lĩnh vực này được xem như trụ cột cho mục tiêu phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho Thanh Hóa cả hiện tại và tương lai.

Để thực hiện mục tiêu đó, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các biện pháp như: cải cách rút gọn thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được chấp thuận; tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư... Đặc biệt, tháng 12/2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn, với tổng mức tiền sử dụng để thực hiện đề án là hơn 11.300 tỉ đồng, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI.

Việt Phương