Văn hoá

Thanh Hóa: Báo động tình trạng xâm hại di tích

Thời gian qua, nhiều hạng mục trong các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bị xâm hại một cách "thô bạo", khó có thể khắc phục.

Liên tiếp di tích bị xâm hại 

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng các hạng mục trong các khu di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng bị xâm hại, khó có khả năng phục hồi như nguyên trạng, điển hình như di tích đền Nưa và di tích đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu, là 2 di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo đó, tại di tích đền Nưa thuộc khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu, thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2009.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại khu di tích đền Nưa đã xảy ra tình trạng người trông coi đền tự ý hạ giải nhà tiền đường bằng gỗ, thay thế bằng các công trình bằng bê tông. Sự việc xảy ra trong một thời gian dài, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc lập biên bản, xử phạt, nhưng sau đó vẫn xảy ra tình trạng lén lút xây dựng.

Nhà tiền đường đền Nưa đã được "bê tông hóa".

Theo tìm hiểu, trước đây, di tích đền Am Tiên được ông nội ông Lê Bật Sơn trông coi và bảo vệ, sau đó đến bố ông Sơn. Khi người bố mất, ông Sơn đứng ra quản lý. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với ông Sơn để chuyển di tích về cho Nhà nước quản lý nhưng ông không đồng ý.

Thậm chí, ông này quản luôn việc thu chi tiền công đức và đã tự ý xây dựng không đúng quy hoạch như trên.

Các cột gỗ hạ giải nằm chỏng chơ, phơi sương gió.

Trong văn bản chỉ đạo về sự việc này, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn chỉ đạo dừng hoàn toàn hoạt động xây dựng trong khu vực di tích đền Nưa. Đồng thời, yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với người đứng đầu các tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra việc tự ý thi công hoàn thiện công trình nhà tiền đường đền Nưa khi cơ quan có thẩm quyền đang yêu cầu dừng thi công, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả thực hiện trước ngày 5/5.

Cũng trong khoảng thời gian trên, tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1990) giai đoạn 3 đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân khi chính quyền cho phá bỏ "giếng ngọc" để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn. 

Theo ghi nhận, giếng cũ ở đền Lê Văn Hưu có đường kính rộng hơn 10 m, nhưng hiện nay đơn vị thi công làm theo thiết kế được duyệt, là phá bỏ giếng cũ để làm giếng mới đường kính chỉ rộng hơn 6 m.

Nguyên nhân thu nhỏ giếng lại theo giải thích của đại diện chủ đầu tư dự án là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, và có diện tích để xây dựng nhà bia.

Hạng mục thu nhỏ "giếng ngọc" đang bị tạm dừng thi công chờ phương án.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT-DL, UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) kiểm tra, làm rõ và có biện pháp xử lý đảm bảo việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định, và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Tới nay, hạng mục thi công "giếng cổ" này đang tạm dừng để chờ Cục Di sản văn hoá, các đơn vị, tổ chức, nhà nghiên cứu khảo sát thực tế, thống nhất hướng xử lý.

Ngoài 2 di tích trên, trong thời gian qua, nhiều công trình di tích cũng bị xâm hại trong quá trình trùng tu như: Nhà thờ dòng họ Lê Hữu (phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa); Chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn), cả 2 di tích trên sau đó đã bị hủy bỏ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh... 

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) khẩn trương thực hiện và hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL; đồng thời trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, tham mưu về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý.

Giao Sở VH-TT-DL chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Luật Di sản văn hoá, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 23-8-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn để thực hiện nghiêm theo quy định…

Hằng năm chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Văn bản cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các văn bản của Bộ, Cục và chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh.

Thông tin với Người Đưa Tin, đại diện Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết, để xảy ra tình trạng trên là do cả yếu khách quan và chủ quan, như số lượng các di tích nhiều với hơn 1.500 di tích cùng những yếu tố "lịch sử để lại" như trường hợp tại đền Nưa.

Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa tiếp diễn các tình trạng trên, Sở cũng đang xây dựng phương án, hướng dẫn cụ thể phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên tuyền, tổ chức các hội nghị tập huấn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cũng như địa phương trong công tác hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của tỉnh.   

Việt Phương