Dân sinh

Thành công từ nuôi lươn không bùn, người đàn ông kiếm tiền tỷ mỗi năm

Tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, thời gian qua mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới và nhận được sự quan tâm của nhiều người, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bỏ nuôi gà, chuyển hướng sang nuôi lươn trong bể xi măng

Nhờ mô hình nuôi lươn không giá thể trong bể xi măng, áp dụng công nghệ nước xả tràn, anh Trần Tấn Giang (46 tuổi, trú ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có doanh thu hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Giang cho biết, trước đây bản thân khởi nghiệp bằng nghề nuôi gà công nghiệp, nhưng khi nghe vài người bạn giới thiệu về nuôi lươn trong bể có lợi nhuận cao, đặc biệt là không phải lo đầu ra. Do đó, năm 2009 anh tìm hiểu quy trình nuôi rồi xây 3 bể, tìm mua con giống về thả.

Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm trong khâu chọn giống, nên anh Giang mua phải lươn đồng về nuôi. Theo thời gian lươn không lớn lại hao hụt dần, anh ngậm ngùi chấp nhận mất cả vốn lẫn công chăm sóc.

Thế nhưng, không từ bỏ đam mê, vừa nuôi gà tích lũy vốn, vừa tham khảo sách báo, tìm hiểu qua các trang mạng quy trình nuôi lươn khép kín. Đến năm 2019, khi thấy lươn thương phẩm có giá cao dễ bán, sẵn còn quỹ đất trống và số vốn dành được, anh Giang quyết định xây trại lươn hoàn chỉnh, thiết kế đầy đủ chức năng của một trại lươn gồm: khu nuôi lươn bố mẹ, khu ương lươn bột, khu nuôi lươn thương phẩm, hệ thống bể lọc, bể lắng, bể cấp nước hoàn chỉnh…

Anh Trần Tấn Giang kiểm tra lươn thương phẩm trong bể xi măng của cơ sở mình.

Bắt tay vào việc, anh Giang đặt lươn giống tại địa phương nhưng đợi mãi vẫn không có giống thả. Anh quyết định nhờ người quen mua 1 tấn lươn thương phẩm với giá 250 ngàn đồng/kg về nuôi với mục đích là chọn lọc lươn bố mẹ cho sinh sản nhân tạo, thu trứng ấp nở, ương nuôi lươn bột.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý chăm sóc, quy trình chưa phù hợp nên 1 tấn lươn thương phẩm cũng chết, khiến anh mất trắng khoảng 250 triệu đồng tiền.

Không chấp nhận “thua cuộc”, quyết tâm chinh phục nuôi lươn, anh Giang nhờ người thân tìm mối đặt mua 60.000 con lươn bột (cỡ 45.000con/kg), với giá 900 đồng/con về ương.  “Vừa làm vừa học qua bạn bè, xem tài liệu, áp dụng kỹ thuật mới, sau gần một năm kể từ ngày mua lươn bột về ương, tôi đã có lươn giống, lươn thương phẩm cung cấp cho khách hàng và chọn được nguồn bố mẹ đạt chất lượng nuôi thành thục sinh dục cho sinh sản nhân tạo”, anh Giang chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, anh Giang cho hay: “Bể nuôi dễ vệ sinh, không phải xịt rửa giá thể nên tiết kiệm nước; theo dõi hoạt động bắt mồi và kiểm soát hoàn toàn mầm bệnh trên lươn; hạn chế bệnh nguyên sinh động vật ký sinh trong môi trường, trên mang lươn. Nếu không may lươn bị trầy xước thì bệnh lỡ loét cũng khó xảy ra”.

Về công nghệ chảy tràn, theo anh Giang bể nuôi có mực nước thấp, thể tích nước ít, khi chảy tràn tiết kiệm nước mà bể nuôi luôn trong sạch. Việc nước chảy tràn chỉ thực hiện vào ban đêm, điều chỉnh lượng nước vào ra liên tục trong 12h, tương đương khoảng 200% nước trong bể nuôi, ban ngày thay nước 100% sau mỗi lần cho ăn. “Với quy trình này không cần sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng thảo dược và men tiêu hóa phòng định kỳ cho lươn. Vì vậy mà lươn phát triển nhanh, tỉ lệ sống của lươn nuôi rất cao, có đợt đạt trên 90%”, anh Giang nói.

Hái “trái ngọt” sau bao khó khăn, thất bại

Anh Giang cho biết, hiện tại cơ sở của mình có 50 bể nuôi lươn thịt, diện tích mỗi bể 5m2, 20 hồ nuôi lươn bố mẹ có diện tích 25m2, 100 khay ấp trứng và ương lươn bột. Hệ thống bể lắng và bể cấp tự chảy đủ cung cấp nước cho toàn trại lươn.

Về lươn sinh sản, cơ sở của anh Giang hiện có tổng đàn bố mẹ khoảng 600kg. Trung bình khoảng 20 ngày thu trứng một lần. Trứng sau khi thu được cho vào khay hoặc bình vây (Weys) ấp có sục khí oxy.

Các cá thể lươn được nuôi trong bể xi măng phát triển tốt, giúp nông dân thu tiền tỷ mỗi năm.

Theo anh Giang, để trứng đạt tỉ lệ nở cao thì lươn bố mẹ khi thành thục sinh dục phải đảm bảo mực nước phù hợp, khi lươn làm tổ không được để đất sập che tổ, đảm bảo ánh sáng và âm thanh xung quanh khu vực. Đặc biệt là đàn lươn bố mẹ phải chọn lai xa không trùng huyết trước khi đem nuôi thành thục.

Trải qua nhiều khó khăn và thất bại, anh Giang cho biết hiện mỗi năm cơ sở của mình thu hoạch khoảng 20 tấn lươn thịt, bán tại bể nuôi giá từ 110 nghìn -120 nghìn đồng/kg, với doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.

Riêng lươn giống (size 500 con/kg), mỗi năm cung ứng cho khách hàng trong tỉnh và các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai trung bình 400 nghìn con. Với giá từ 3,5 nghìn - 4 nghìn đồng/con tùy thời điểm, trừ chi phí thu lãi khoảng 280 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Giang còn tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Đến nay người nông dân 46 tuổi này đang là Chi Hội trưởng nuôi lươn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phong trào nuôi lươn không bùn tại địa phương đang ngày càng phát triển và tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi. Ngoài anh Giang, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã thành công và làm giàu từ mô hình này.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để đáp ứng nhu cầu nuôi lươn không bùn của các hộ dân trên địa bàn, bên cạnh công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn cho bà con nông dân trong tỉnh, thời gian tới Trung tâm sẽ triển khai xây dựng mô hình trình diễn nuôi lươn không bùn, để người dân trực tiếp tham quan học hỏi phương pháp thiết kế, chuẩn bị bể nuôi và nắm bắt quy trình nuôi cụ thể nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gio Linh