Tiêu điểm thế giới

Tham vọng của TT Putin ở Syria có thể thất bại trước các thế lực cứng rắn

Nga, Putin, Syria, khủng bố

Theo Al-Ahram Weekly, hồi cuối tháng Hai sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu ở Moscow, Tổng thống Nga Putin đã tiết lộ rằng Nga sẽ thành lập một nhóm mới các nước có liên quan tới cuộc xung đột Syria, nhà lãnh đạo Syria và “có thể” cả lực lượng đối lập.

Sứ mệnh của nhóm này là thiết lập “sự ổn định sau khi tất cả các nhóm khủng bố được xóa bỏ” ở Syria, ông Putin cho biết. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng theo kế hoạch này, tất cả các tay súng nước ngoài phải rút khỏi Syria, hiến pháp quốc gia Trung Đông này phải được khôi phục và sự toàn vẹn lãnh thổ Syria phải được duy trì.

Tổng thống Nga Putin tại Syria 

Lực lượng đối lập Syria không bình luận gì về tuyên bố của Nga. Chính quyền Syria do Tổng thống Assad đứng đầu cũng thừa nhận không hay biết gì về kế hoạch trên của Moscow.

Đại diện của Syria tại Liên Hợp Quốc, Iyad Al-Jaafari cho biết, Moscow “không thảo luận (nhóm quốc tế mới) với Damascus” và cho biết thêm rằng khi cả hai phía bắt đầu thảo luận “họ sẽ đạt được sự hiểu biết rõ ràng vì có quan hệ tốt”.

“Quan điểm của Nga là tập trung vào vai trò tích cực với chính quyền Syria”, Al-Jaafari cho biết đồng thời khẳng định, Israel không có mặt trong nhóm mới này.

Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Netanyahu tới Moscow, một quan chức cao cấp của Israel cho biết Nga và Israel sẽ hình thành một nhóm hợp tác cùng với các nhóm khác để tính đến sự rút khỏi Syria của các lực lượng nước ngoài. Nhân vật này không phân tích cụ thể liệu nhóm này có nằm trong nhóm quốc tế mới mà ông Putin thông báo hay không.

Các nhà phân tích tin rằng, Moscow đã đạt được thỏa thuận với Tel Aviv về nhóm mới này. Điều này sẽ gửi thông điệp tới các đối tác của Nga ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rằng Nga sẽ không ngừng hợp tác với Tel Aviv trong khi đang tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng ở Syria.

Thông điệp từ động thái này với Washington là rằng Nga có thể tác động mạnh đến vị thế của Israel ở Syria và thuyết phục nước này chấp nhận quan hệ đối tác chiến lược với Nga.

Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Putin tuyên bố, các nỗ lực của Nga trong việc bảo vệ thể chế của Syria đã góp phần ổn định và giải phóng 95% lãnh thổ đất nước này. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, giai đoạn tiếp theo sẽ thiết lập sự ổn định chính trị dưới sự giám sát của quốc tế.

Tuy nhiên, nhóm các nước mới của ông Putin hiện được biết là không mang đến nhiều hứa hẹn. Trong khi, ông Putin tuyên bố chủ nghĩa khủng bố phải được triệt tiêu, không rõ liệu ông có nhắc đến tổ chức khủng bố IS và Al-Nusra Front hay lực lượng đối lập có vũ trang Syria.

Ông Putin cũng yêu cầu việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Syria dù ông hiểu rõ, ông không thể buộc Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia Ả Rập rời khỏi quốc gia Trung Đông này.

Một lý do khác khiến cho nhóm mới này khó hình thành đó là bởi Nga và Iran không thừa nhận việc các tay súng nước ngoài vào Syria là bất hợp pháp với lập luận rằng lực lượng này đến đây theo lời đề nghị của chính quyền ông Assad.

Một điều rõ ràng là Mỹ sẽ không bao giờ đồng ý với kế hoạch của Nga về Syria vì Washington luôn tự xem mình là người ra quyết định chính trong khu vực này. Nếu không có sự ủng hộ và tán thành của Mỹ, kế hoạch của Nga khó có thể trở thành hiện thực. Liên Hợp Quốc cũng sẽ từ chối đi theo quyết định của Nga.

Sáng kiến của Nga xuất hiện vào thời điểm Ankara đang đàm phán với Washington về việc hình thành một vùng an toàn ở Bắc Syria và chính quyền Mỹ đang nghĩ về việc giao trách nhiệm về các vấn đề ở Đông Bắc Syria cho các nước châu Âu.

Việc Mỹ rút khỏi Syria đã khiến Nga rơi vào thế mất cân bằng và hiện Nga đứng trước việc mất kiểm soát. Mục tiêu của Moscow, Ankara và Tehran rất khác nhau vì thế nên quyết định của Washington trong việc rút các nhóm quân gây nhiều tranh cãi về sự cân bằng trong cuộc xung đột ở Syria.

Chiến thắng về quân sự của Nga ở Syria không đồng nghĩa với việc nước này giành chiến thắng về chính trị ở mảnh đất này và những nghi vấn về sự thành công của quá trình hòa đàm Astana vẫn tiếp tục.

Moscow tỏ ra nóng lòng trong việc nắm giữ phần lớn các quân bài ở Syria mà không quan tâm đến mong muốn của Mỹ, các nước phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ hay các lực lượng đối lập Syria. Rõ ràng điều này sẽ mang đến sự bất lợi cho Nga.  

Xem thêm >> Tham vọng tầm cỡ của Nga ẩn sau những “cuộc đàm phán hòa bình” ở Syria