Dân sinh

Tham vấn ý kiến đeo vòng cổ gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã

Vào cuối tháng 6/2022, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức hội thảo quốc tế tham vấn ý kiến hoàn thiện đề án đeo vòng cổ gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã.

Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ký văn bản đồng ý để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk tổ chức hội thảo quốc tế “Tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk”.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk do tổ chức Word Wide Fund for Nature do Thụy Sĩ tài trợ.

Hội thảo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2022, với khoảng 39 người tham dự. Nội dung hội thảo nhằm trao đổi, tham vấn các bên liên quan, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học để đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk được đầy đủ, sát thực và hoàn thiện trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình hội thảo. Đồng thời, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, các đơn vị liên quan quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến tham dự hội thảo theo quy định của Nhà nước.

Một đàn voi rừng đang được Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng ở Đắk Lắk theo dõi (Ảnh: H.P).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quần thể voi ở Đắk Lắk có khoảng 80-100 con voi rừng, tập trung ở khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn, với diện tích 115.545ha, chủ yếu là rừng khộp. Việc xác định sự di chuyển của voi hoang dã ở Đắk Lắk nhằm cung cấp thông tin cho các nỗ lực bảo vệ và bảo tồn quần thể voi...

Việc tổ chức hội thảo quốc tế “Tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk” nhằm tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, tham vấn các bên liên quan, đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn voi trong thời gian đến.

Mặt khác, chuyên gia tư vấn tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu, ý kiến của các cơ quan chức năng, nhà khoa học để đề án đeo vòng cổ có gắn định vị GPS giám sát voi hoang dã tại Đắk Lắk được đầy đủ, sát thực và hoàn thiện trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, voi rừng thường xuyên di chuyển nên việc giám sát gặp nhiều khó khăn. Việc gắn định vị cho voi rừng có thể xác định sự di chuyển của voi hoang dã nhằm cung cấp thông tin để bảo vệ, bảo tồn quẩn thể voi, cũng như cảnh báo địa phương, người dân biết voi đi qua để giảm thiểu xung đột giữa voi và người.

Khánh Ngọc