Thế giới

Tham vấn với Trung Quốc, Đức đối mặt “bài kiểm tra sức chịu đựng”

Đối với Đức, việc tìm ra cách thức phù hợp và đúng đắn để đối phó với Trung Quốc là điều “gần như không thể".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có các cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) vào ngày 20/6, tìm cách điều chỉnh lại sự hợp tác giữa hai bên sau khi Berlin coi Bắc Kinh là “đối thủ có hệ thống”.

Ông Lý Cường đang trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng Trung Quốc hồi tháng 3 và được giao nhiệm vụ “xốc lại” nền kinh tế Trung Quốc thời hậu Covid-19.

Nhưng không giống như các chuyến thăm trước đây của các quan chức Trung Quốc khác, khi các nhà lãnh đạo Đức trải thảm đỏ nhằm mở rộng quan hệ kinh doanh với “gã khổng lồ” châu Á, chuyến thăm của ông Lý diễn ra trong bối cảnh Berlin đang gấp rút đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình.

Sau những “vết thương” do sự phụ thuộc vào khí đốt Nga và sự gián đoạn chuỗi cung ứng thời đại dịch, Đức đang tăng cường nỗ lực để “giảm thiểu rủi ro” từ Trung Quốc.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) chào mừng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) tới Phủ Thủ tướng ở Berlin, ngày 19/6/2023. Ảnh: SCMP

Gặp gỡ Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 19/6, Thủ tướng Lý kêu gọi tăng cường hợp tác và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đồng thời cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Đức để đóng góp cho “sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu”.

Tuy nhiên, khi người đứng đầu chính phủ Trung Quốc ngồi xuống với Thủ tướng Scholz trong vòng tham vấn liên chính phủ lần thứ 7, Chiến lược An ninh Quốc gia đầu tiên của Đức, được công bố tuần trước, chắc chắn sẽ chi phối không khí của sự kiện.

“Trung Quốc đang cố tình sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được các mục tiêu chính trị”, bản tài liệu chiến lược này cho biết, đồng thời thừa nhận Trung Quốc vẫn là một đối tác mà thế giới cần để giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu như chống biến đổi khí hậu.

Bắc Kinh đã nổi giận khi bị Đức mô tả là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống” trong bản tài liệu, nói rằng những nhãn hiệu như vậy sẽ chỉ “đẩy thế giới của chúng ta vào vòng xoáy chia rẽ và đối đầu”.

Vòng tham vấn vào ngày 20/6 giữa người đứng đầu chính phủ hai nước là “một bài kiểm tra sức chịu đựng xem liệu quan hệ đối tác thực sự giữa Berlin và Bắc Kinh có còn khả thi hay không”, ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPi) – một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Berlin, nói với AFP.

“Vấn đề là liệu Đức có tiếp tục chơi trò chơi giả vờ có sự đồng thuận rộng rãi với Bắc… hay liệu họ có chọn một con đường mới là đàm phán thẳng thắn và giới hạn tuyên bố cuối cùng trong các lĩnh vực có con đường hợp tác thực sự hay không”, ông nói thêm.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm thứ 7 liên tiếp vào năm 2022, với kim ngạch thương mại song phương lên tới khoảng 300 tỷ Euro, tăng khoảng 21% so với năm 2021, theo Destatis. Ảnh: DW

Tạp chí Spiegel của Đức thì cho rằng việc tìm ra cách thức phù hợp và đúng đắn để đối phó với Trung Quốc là điều “gần như không thể”.

Trung Quốc bị cáo buộc gây ra sự bất ổn trong khu vực với các mối đe dọa nhằm vào Đài Loan – hòn đảo mà nước này xem là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ sử dụng vũ lực để thống nhất, các vấn đề đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong khi từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Mặt khác, điều quan trọng là tiếp tục duy trì mối quan hệ tin cậy với Bắc Kinh, tờ Spiegel lưu ý.

“Chơi trò đi dây thăng bằng này mà không bị chấn thương là một thách thức thực sự” không chỉ trong vòng tham vấn ngày 20/6, mà còn trong những năm và thập kỷ tới”, tờ báo Đức nhận định.

Chính phủ Đức thường xuyên tổ chức các vòng tham vấn với các đối tác đặc biệt thân thiết hoặc với các quốc gia đặc biệt quan trọng đối với họ, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Brazil.

Đối với vòng tham vấn Đức-Trung Quốc diễn ra vào ngày 20/6 tại Berlin, đây là vòng tham vấn lần thứ 7 giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu và châu Á kể từ năm 2011. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá đây là buổi làm việc rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới đòi hỏi việc trao đổi ý kiến với nhau hơn bao giờ hết.

Chủ đề chính của cuộc tham vấn sẽ là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng buổi làm việc cũng sẽ tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó Trung Quốc đang cố gắng làm trung gian hòa giải và thúc đẩy đàm phán.

Minh Đức (Theo Digital Journal, Anadolu Agency)