Thế giới

Thảm kịch di cư: Thuyền bị tách đôi ngoài khơi Italy

Trong năm qua, ít nhất 2.836 người đã thiệt mạng khi băng qua Trung Địa Trung Hải, một tuyến đường được coi là tuyến vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới.

Ít nhất 43 người đã thiệt mạng và 100 người đã được giải cứu sau khi một chiếc thuyền chở người di cư và người tị nạn bị chìm ngoài khơi thành phố ven biển Crotone thuộc vùng Calabria, miền Nam Italy. Khoảng 70 người trên tàu vẫn mất tích.

Vụ đắm tàu xảy ra sáng sớm hôm 26/2 gần Steccato di Cutro, một khu nghỉ mát ven biển Calabria, khu vực hình thành nên “mũi giày” của Italy.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết trong một tuyên bố trên Twitter rằng các hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra. Hãng thông tấn ANSA của Italy cho biết thêm rằng việc tìm kiếm những người sống sót vẫn đang tiếp tục bất chấp biển động.

Hãng tin AGI dẫn lời một nhân viên cứu hộ cho biết con tàu bị nhồi nhét quá nhiều người đã bị tách đôi sau khi đâm vào đá ngầm. Một em bé vài tháng tuổi nằm trong số các nạn nhân, AGI cho biết thêm.

Bà Manuela Curra, một quan chức chính quyền tỉnh, cho biết chiếc thuyền đã rời Izmir ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ 3-4 ngày trước, chở người di cư đến từ Afghanistan, Pakistan và Somalia. “Theo những người sống sót, có khoảng 140-150 người đã ở trên tàu”, bà Curra cho biết.

Hơn 100 hành khách đã được cứu, nhưng ít nhất 70 người vẫn mất tích sau vụ đắm tàu sáng sớm ngày 26/2/2023 ngoài khơi bờ biển phía nam Italy. Ảnh: Getty Images

Ông Luca Cari, phát ngôn viên của lực lượng cứu hỏa tham gia nỗ lực cứu hộ, cho biết đến giữa buổi sáng, khoảng 40 người sống sót đã được tìm thấy. Một số người sống sót đã tự mình bơi vào bờ.

Rất nhiều trong số những chiếc thuyền như thế này đã đến những dải bờ biển dài ở miền Nam Italy mà không có sự trợ giúp của lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc các tàu cứu hộ nhân đạo.

Thảm kịch mới nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ cực hữu của Italy nhận được sự chấp thuận của quốc hội nước này về một luật mới gây tranh cãi đối với vấn đề giải cứu người tị nạn và người di cư.

Luật buộc các tàu cứu hộ chỉ được thực hiện mỗi lần một nỗ lực cứu hộ, điều mà các nhà phê bình cho rằng có nguy cơ làm tăng số vụ chết đuối thương tâm ở trung Địa Trung Hải.

Thủ tướng cực hữu Giorgia Meloni của Italy được bầu vào tháng 9 năm ngoái một phần nhờ lời hứa ngăn chặn dòng người tị nạn và người di cư đến bờ biển nước này.

Trong một tuyên bố hôm 26/2, bà bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” về vụ việc và “nhiều sinh mạng bị mất bởi những kẻ buôn người”.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi cho biết trong một tuyên bố riêng rằng vụ việc là “một thảm kịch lớn cho thấy cần phải hành động kiên quyết chống lại các kênh di cư bất hợp pháp”.

Giáo hoàng Francis, một người lên tiếng ủng hộ quyền của người di cư, cho biết ông đang cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ đắm tàu trong bài phát biểu hôm 26/2 trước đám đông ở Quảng trường Thánh Peter.

Thống đốc vùng Calabria, Roberto Occhiuto, đã chỉ trích chính quyền EU vì họ không hành động trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và đặt câu hỏi “Liên minh châu Âu đã làm gì trong suốt những năm qua?”

“Châu Âu ở đâu khi nói đến việc đảm bảo an ninh và pháp lý?”, ông đặt câu hỏi, đồng thời nói thêm rằng những khu vực như vùng Calabria của ông đã bị bỏ rơi và phải tự mình “xử lý các trường hợp khẩn cấp và thương xót những người đã khuất”.

Vụ đắm tàu hôm 26/2/2023 diễn ra gần Steccato di Cutro, một khu nghỉ mát ven biển vùng Calabria của Italy. Ảnh: Today Online

Italy là một trong những điểm đổ bộ chính của những người di cư cố gắng vào châu Âu bằng đường biển.

Trong năm qua, ít nhất 2.836 người đã thiệt mạng khi băng qua Trung Địa Trung Hải, một tuyến đường được coi là tuyến vượt biển nguy hiểm nhất trên thế giới.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, Politico.eu)