Thế giới

Thâm hụt thương mại Nhật Bản tăng kỷ lục trong tháng 8

Tháng 8 là tháng thứ 13 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại. Đây là quãng thời gian thâm hụt dài nhất đối với nền kinh tế thứ ba thế giới kể từ năm 2015.

Hôm 15/9, Nhật Bản vừa công bố mức thâm hụt thương mại kỷ lục trong tháng 8, trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu tăng cao do chi phí năng lượng leo thang và đồng Yên sụt giảm. Điều này cũng cho thấy nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc rất dễ bị tổn thương trước áp lực giá cả từ bên ngoài.

Thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng là dấu hiệu cho thấy cơ hội của sự phục hồi kinh tế Nhật Bản ngày càng mong manh, vốn không có nhiều đột phá trong thời gian qua.

Các công ty Nhật Bản hiện đang phải trả chi phí rất cao cho nguồn hàng nhập khẩu do đồng Yên trượt xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua, và nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Kim ngạch nhập khẩu Nhật Bản tăng 49,9% trong năm tính đến tháng 8, do giá than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao, đẩy thâm hụt thương mại lên 2,8173 nghìn tỷ Yên (19,71 tỷ USD). Đây là mức thâm hụt lớn nhất đối với nền kinh tế Nhật Bản từ trước đến nay, và cao hơn nhiều so với con số dự kiến là 2,3982 nghìn tỷ Yên (16,7 tỷ USD).

Các công ty Nhật Bản hiện đang phải trả chi phí rất cao cho nguồn hàng nhập khẩu. Ảnh Japan Times

Tháng 8 là tháng thứ 13 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại. Đây là quãng thời gian thâm hụt dài nhất đối với nền kinh tế thứ ba thế giới kể từ năm 2015.

Dữ liệu Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này cao hơn mức trung bình mà thị trường dự báo là 46,7%, đồng thời cao gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu (22,1%).

Việc nhập khẩu dầu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và than và LNG từ Úc đã khiến tổng kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh.

Ở cấp độ khu vực, xuất khẩu sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, đã tăng 13,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các lô hàng đến Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng 33,8% trong tháng 8.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy, xuất khẩu giảm 1,2% về khối lượng.

“Xuất khẩu gần đây không tăng nhiều về khối lượng ngay cả khi đồng Yên giảm giá. Sự chậm lại ở các nền kinh tế nước ngoài có thể làm cho xu hướng này trở nên tồi tệ hơn, và tôi nghĩ đó là rủi ro lớn hơn đối với nền kinh tế so với sự biến động của tiền tệ”, ông Taro Saito, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu NLI Nhật Bản cho biết.

Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, kim ngạch nhập khẩu đang tăng do giá hàng hóa tiếp tục leo thang, tình trạng gián đoạn nguồn cung vẫn chưa được giải quyết, và xuất khẩu ngày càng ì ạch.

Báo cáo thương mại vừa công bố cũng cho thấy tỉ giá hối đoái trung bình là 135,08 Yên/USD, thấp hơn 22,9% so với một năm trước. Đồng Yên đã tiếp tục trượt giá so với đồng USD trong năm nay, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát tràn lan, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất ở mức siêu thấp.

Lập trường khác biệt đó đã khiến đồng Yên sụt giảm mạnh sau khi thông tin lạm phát tháng 8 ở Mỹ cao hơn dự kiến được công bố. Điều này tạo động lực để ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiến hành một đợt kiểm tra tỉ giá hiếm hoi, đồng thời củng cố những cảnh báo về khả năng can thiệp từ Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki.

“Sự sụt giảm của đồng Yên có tác động khác nhau đối với các công ty và hộ gia đình. Nó giúp các công ty xuất khẩu và tăng doanh số bán hàng ra nước ngoài bằng USD. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là thu nhập thực tế của các hộ gia đình sẽ giảm”, ông Taro Saito cho biết.

Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong quý thứ ba liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 6, do việc dỡ bỏ các hạn chế Covid giúp thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi của Nhật Bản vẫn còn mong manh do hoạt động kinh doanh và tiêu dùng đối mặt với những rủi ro như tăng trưởng toàn cầu giảm, và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang chạy đua thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.

Nguyễn Tuyết (Theo US Today, Bloomberg)