Thế giới

Thâm hụt ngân sách Mỹ cao kỷ lục khi năm tài khóa 2021 dần khép lại

Nguyên nhân thâm hụt ngân sách khổng lồ chủ yếu do Chính phủ Mỹ chi tiêu mạnh tay để ngăn chặn những tác động của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo ngân sách hàng tháng Bộ Tài chính Mỹ vào thứ Hai 13/9, thâm hụt ngân sách Mỹ lũy kế cho đến tháng 8/2021 là 2,71 nghìn tỷ USD. Thâm hụt ngân sách Mỹ đang trên đà trở thành khoản thâm hụt lớn thứ hai trong lịch sử khi năm tài khóa đang dần khép lại (1/10/2020- 30/9/2021).

Nguyên nhân thâm hụt ngân sách Mỹ

Theo chuyên gia William Hoagland, thuộc Trung tâm Chính sách lưỡng đảng (BPC), khi xảy ra những biến động kinh tế và xã hội chưa từng có thì mức thâm hụt ngân sách cao là tất yếu. Số liệu chênh lệch thu chi mà Bộ Tài chính công bố đã thể hiện rõ tình hình nước Mỹ phải vật lộn với “những làn sóng tấn công” của Covid-19. 

Trong 11 tháng đầu năm tài khóa này, tổng thu Chính phủ Mỹ đạt 3,39 nghìn tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi chính phủ trong 11 tháng qua đạt 6,21 nghìn tỷ USD, thấp hơn 4% so với cùng kỳ tài năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao.

Các tờ tiền 1 USD được đưa qua máy in tại Cục Hoa Kỳ Khắc và In ấn (BEP) năm 2015 ở Washington D.C. ẢNH: NPR.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới mức thâm hụt khổng lồ trong 2 năm tài khóa liên tiếp là do các khoản chi tiêu mạnh tay của Washington để phòng chống và ngăn chặn những tác động do Covid-19.

Điển hình phải kể tới là gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES được tiến hành từ tháng 3/2020- 3/2021 nhằm cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung cho người lao động tạm nghỉ việc do đại dịch và các khoản vay trợ cấp cho doanh nghiệp. Tiếp đó là gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD tháng 12/2020 giúp chính phủ Donald Trump tránh nguy cơ đóng cửa vì cạn kiệt ngân sách. Và gần đây là gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của chính phủ Biden tháng 3/2021 nhằm kéo dài sự hỗ trợ của Đạo luật CARES.

Theo CNBC, những khoản chi lớn ​​dành cho các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế và dịch vụ nhân sinh cũng đã góp phần làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ trong năm tài khóa vừa qua.

So sánh với mức thâm hụt kỷ lục năm ngoái

Như vậy, thâm hụt ngân sách trong 11 tháng đầu năm tài khoá này thấp hơn 9,9% so với mức thâm hụt cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 8/2021, thâm hụt ngân sách tổng cộng là 170,6 tỷ USD, giảm 14,7% so với thâm hụt tháng 8/2020, đạt 200 tỷ USD.

Sự cải thiện mức thâm hụt ngân sách năm nay là do những dấu hiệu phục hồi kinh tế tích cực gần đây từ cuộc suy thoái kinh tế do đại dịch. Hàng triệu người lao động Mỹ đã có thể đi làm trở lại, thu nhập cá nhân và lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng. 

Nhiều chuyên gia kinh tế và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho rằng, phục hồi tăng trưởng kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới cần quan ngại tới vấn đề thâm hụt ngân sách. 

Tổng thống Joe Biden giới thiệu kế hoạch chống đại dịch Covid tại Nhà Trắng, Washington vào ngày 21/01/2021. ẢNH: REUTERS.

Dự đoán về triển vọng tài khóa của Mỹ

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa trước khi năm tài khóa 2020-2021 của Mỹ kết thúc, mức thâm hụt ngân sách có thể còn tiếp tục tăng cao hơn nhưng không quá nhiều.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự báo thâm hụt ngân sách năm nay khoảng 3 nghìn tỷ USD, thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục 3,13 nghìn tỷ USD được thiết lập vào năm ngoái. Tính theo quy mô kinh tế, thâm hụt ngân sách 2021 của Mỹ dự báo ở mức 13,4% tổng sản phẩm quốc nội GDP, mức cao thứ hai kể từ năm 1945.

Theo Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế học tại Công ty định lượng và dự báo toàn cầu Oxford Economics, cho biết thâm hụt năm tài chính 2022 có thể sẽ giảm xuống còn 1,43 nghìn tỷ USD, thấp hơn một nửa thâm hụt hai năm tài khóa trước đó.

Bà giải thích sự cải thiện sẽ đến từ việc kết thúc các chương trình hỗ trợ Covid và bức tranh nền kinh tế dần phục hồi tươi sáng hơn. 

Phạm Thu Thanh (theo AP)