Thế giới

Thách thức mới đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC

Sản lượng hàng tháng của Iran đang dần tăng lên, đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với việc kiểm soát thị trường dầu mỏ của OPEC.

Trong những tháng gần đây, xuất khẩu dầu của Iran đã đạt mức cao nhất 5 năm, bổ sung một lượng lớn dầu thô giảm giá cho thị trường năng lượng toàn cầu vốn đang gặp khó khăn do lo ngại về nhu cầu.

Theo các nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler và Petro-Logistics, các chuyến hàng dầu của Iran đạt trung bình khoảng 1,6 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6, cao hơn gấp đôi so với khoảng một năm trước và cao nhất kể từ năm 2018, khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra sự sụt giảm.

Điểm đến hàng đầu

Mặc dù khó đánh giá được quy mô và điểm đến cuối cùng của dầu Iran, nhưng dữ liệu từ một số công ty giám sát thương mại năng lượng toàn cầu cho thấy, Trung Quốc vẫn là khách hàng hàng đầu của nước này.

Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler, Bắc Kinh đã nhập khẩu trực tiếp 359.000 thùng dầu mỗi ngày từ Iran trong tháng 5, tăng từ khoảng 266.000 thùng trong cùng kỳ năm ngoái. Các nhà quan sát trong ngành cho biết, doanh số bán hàng thực tế của Iran cho Trung Quốc có thể cao hơn nhiều và bao gồm cả dầu được vận chuyển qua các nước châu Á và Trung Đông khác.

Kpler cho biết, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc - đặc biệt là các công ty nhỏ độc lập ở tỉnh Sơn Đông - đang tăng cường mua hàng hóa của Iran bởi dầu giảm giá của quốc gia này giúp bù đắp cho sự sụt giảm gần đây về tỉ suất lợi nhuận.

Ông Iman Nasseri, giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng FGE có trụ sở ở Dubai cho biết, Iran đã phải giảm giá sâu hơn đối với dầu thô của mình để cạnh tranh với dòng dầu thô của Nga bị đẩy ra khỏi châu Âu do các lệnh trừng phạt.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, đặc biệt là các công ty nhỏ độc lập ở tỉnh Sơn Đông, đang tăng cường mua dầu giá rẻ của Iran. Ảnh: Tehran Times

Theo các quan chức dầu mỏ Iran, nước này đang giảm giá khoảng 30 USD/thùng so với các đối thủ ở Vịnh Ba Tư, bao gồm cả Ả Rập Xê-út, cho phép nước này cạnh tranh với dầu giá rẻ của Nga.

“Việc Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Iran bằng cách mua dầu bị trừng phạt của nước này cho thấy mối quan hệ Iran - Trung Quốc đã cải thiện đôi chút. Tất cả những điều này cho thấy vị thế của Iran đang được cải thiện, và nước này đang tiến tới bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực”, ông Greg Brew, nhà phân tích tại Eurasia Group cho biết.

Ngoài Trung Quốc, Syria và Venezuela là những khách hàng mua dầu thô hàng đầu khác của Iran. Cả 2 quốc gia này đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Các thương nhân Iran cho biết, quốc gia này cũng nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ những khách hàng khác ở Mỹ Latinh và châu Phi.

Iran, quốc gia có nguồn ngoại tệ lớn nhất là dầu mỏ, đã kiếm được 28 tỷ USD từ việc bán dầu thô trong năm dương lịch Ba Tư kết thúc vào tháng 3/2023, gần gấp 4 lần so với năm 2021, theo cựu giám đốc ngân hàng trung ương Iran Abdolnaser Hemmati.

Doanh số bán hàng tăng trở lại là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đất nước này dù vẫn đang quay cuồng vì vấn đề tài chính sau nhiều năm bị cô lập nhưng đang tự khẳng định lại mình, bắt đầu hàn gắn quan hệ với các đối thủ trong khu vực, thúc đẩy quan hệ với cường quốc hàng đầu châu Á.

Thách thức đối với OPEC

Iran là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ nhưng quốc gia này được miễn cắt giảm sản lượng sau khi chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Với tình hình hiện tại, sự gia tăng nguồn cung dầu của Iran có nguy cơ làm đảo lộn nỗ lực của Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất dầu thô lớn khác nhằm nâng giá bằng cách cắt giảm sản lượng.

Do kỳ vọng về nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và tình trạng dư thừa hàng hóa giá rẻ của Nga, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã giảm khoảng 20% kể từ khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC+) tuyên bố cắt giảm giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 10/2022.

Hồi tháng 4, một số thành viên sản xuất nhiều dầu nhất trong liên minh này, bao gồm Ả Rập Xê-út và Nga, đã cắt giảm thêm 1,6 triệu thùng mỗi ngày.

Ả Rập Xê-út sau đó cho biết, họ sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7, sau đó gia hạn việc cắt giảm đến tháng 8. Theo ước tính của một số nhà phân tích, quốc gia vùng Vịnh cần giá dầu ở mức trên 80 USD/thùng để tài trợ cho chương trình kinh tế mở rộng của mình.

Trong khi đó, sản lượng của Iran giảm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày do các lệnh trừng phạt của Mỹ và chạm đáy vào giữa năm 2020. Kể từ đó, sản lượng đã tăng khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày.

Hồi tháng 5/2023, Iran tuyên bố quốc gia này đã tăng sản lượng dầu thô lên hơn 3 triệu thùng/ngày nhằm lấp đầy khoảng trống mà Riyadh để lại và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với dầu giá rẻ.

Nếu các cơ sở sản xuất và xuất khẩu của Iran vẫn được duy trì trong 5 năm qua, thì dữ liệu lịch sử cho thấy Iran có thể tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoặc nếu việc thực thi bị đình trệ.

Đến lúc đó, câu hỏi đặt ra sẽ là liệu OPEC có yêu cầu Iran tham gia vào việc cắt giảm sản lượng hay không?

Ả Rập Xê-út đã tự “gồng gánh” việc cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu nhưng không mang về hiệu quả như mong muốn. Giá dầu Brent thậm chí còn giảm xuống dưới 75 USD/thùng, thấp hơn mức trước khi quốc gia này gia hạn giảm sản lượng.

Với việc đẩy mạnh xuất khẩu dầu, Iran đang đi ngược lại chương trình nghị sự của Ả Rập Xê-út và khiến OPEC đứng trước viễn cảnh phải yêu cầu các thành viên khác cắt giảm thêm sản lượng để tăng giá.

Nguyễn Tuyết (Theo Barron’s, WSJ, Bloomberg, Oil Price)