Sự kiện

Tết tại Viện dưỡng lão

“Đây đã là cái Tết thứ 5 tôi đón Tết tại viện dưỡng lão. Thực tình, mỗi khi Tết đến Xuân về ai cũng mong mỏi 2 chữ “đoàn tụ” nhưng vì con cháu quá bận rộn nên tôi ở lại đón Tết cùng các bạn già, niềm vui riêng này thật khó diễn tả thành lời”, một cụ bà tại Viện dưỡng lão Diên Hồng tâm sự.

Viện dưỡng lão Diên Hồng (quận Hà Đông, Hà Nội) hiện là nơi ở của 75 cụ ông, cụ bà. Đa số các cụ ở đây đều được con cháu gửi vào, vẫn được chu cấp và thăm non hàng tháng.

Theo chia sẻ của nhân viên tại viện dưỡng lão, vào những ngày Tết, chỉ có khoảng 10 - 15 cụ già được con cháu đón về nhà ăn Tết ít ngày, số còn lại do con cháu quá bận rộn, hoặc có tới đón nhưng các cụ nói không muốn về.

Ngày Tết đến, ai cũng muốn trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình những với một số cụ già ở đây, điều đó lại trở thành thứ ước muốn xa xỉ.

Biết người già thường sợ cô đơn, nên mỗi độ Tết đến Xuân về, các nhân viên viện dưỡng lão Diên Hồng thường sắm sửa những cành đào thật đẹp, trang trí các căn phòng thêm ấm cúng, biểu diễn văn nghệ giống với không khí Tết gia đình.

Nhân viên tại đây cắt những bông hoa giấy, ghi câu đối rồi trang trí lên các ô cửa kính.

Cùng nhau trang trí viện dưỡng lão thật khang trang để đón Tết về.

Điều dưỡng sắm sửa cây quất, cây đào, trang trí không gian phòng ngủ và phòng sinh hoạt chung cho các cụ và chuẩn bị bánh chưng xanh, mâm cơm ngày tết với những món ăn quen thuộc.

Tại viện dưỡng lão, những cụ già coi nhau như những người bạn tri kỷ. Với các cụ, nơi đây chính là ngôi nhà thứ hai để vun vén, sẻ chia những ngọt bùi của cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên, cụ Phùng Thị Kim Đính (95 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Đây đã là cái Tết thứ 5 tôi đón Tết tại viện dưỡng lão. Thực tình, mỗi khi Tết đến Xuân về ai cũng mong mỏi 2 chữ “đoàn tụ” nhưng vì con cháu quá bận rộn nên tôi ở lại đón Tết cùng các bạn già, niềm vui riêng này thật khó diễn tả thành lời".

Cụ Đính cũng là một trong số ít những cụ trong viện dưỡng lão có môt cái Tết “quý tộc” nhất. Năm nào cũng vậy, cụ nhờ điều dưỡng đi chợ mua cây đào. Nhất định phải là cây đào nhiều nụ, kích thước vừa đủ và thế cây phù hợp với căn phòng.

Chiếc áo dài gấm cụ may cách đây đã 20 năm cũng được là phẳng phiu, cụ dành để mặc vào ngày mùng 1 khi con cháu vào thăm và khi lên thăm hương bàn thờ tổ ở viện dưỡng lão.

Đêm Giao thừa, thay vì đi ngủ sớm, cụ Đính luôn thức tới 0h để đón Giao thừa, cụ ngồi đợi để chúc Tết các điều dưỡng.

Đối với cụ Liêu Thị Dung (90 tuổi, quê Thái Bình) không sắm sửa gì nhiều cho bản thân. Cụ bảo rằng, chỉ chuẩn bị những bao lì xì nhỏ để năm mới mừng tuổi cho các cháu nhỏ và các bạn điều dưỡng ở viện. “Với tôi, đó như một lời cảm ơn vì sự nhiệt tình và tận tâm của mọi người trong nhiều năm qua”, cụ Dung chia sẻ.

Điều đặc biệt nhất khi đón Tết ở viện dưỡng lão chính là tình người. Những người không quen biết nhau, đến từ nhiều vùng quê khác nhau lai gặp gỡ trong một căn phòng và cùng nhau đón chờ khoảnh khắc chuyển giao năm mới.