Cộng đồng mạng

Tết đến xuân sang, giới trẻ rủ nhau bỏ tiền thuê người yêu

Chuyện cho thuê người yêu đi chơi, giả làm chồng, vợ khi có nhu cầu đã trở thành quen thuộc, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán với chi phí không hề rẻ.

Có cầu thì sẽ có cung, nhu cầu thuê người yêu, chú rể ra mắt bạn bè, gia đình hoặc đi chơi là dịch vụ được giới trẻ lựa chọn và dần trở thành mốt trong dịp Tết này.

Dịch vụ này ra đời để đáp ứng nhu cầu của các "FA" là phương thức cứu cánh cho những bạn trẻ muốn ra mắt người yêu khi bị gia đình giục chuyện yêu đương hoặc để tự hào khoe với bạn bè.

Nhiều cô gái, chàng trai thuê đối tác đóng giả người yêu, thậm chí là chồng để ra mắt cha mẹ họ.

Dịch vụ cho thuê người yêu về ra mắt cha mẹ dịp lễ Tết đang ngày càng phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ảnh: Reuters.

Hiện nay, gày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan,… cả nam lẫn nữ, kiếm sống bằng công việc thuê người yêu trong những năm gần đây, đặc biệt vào dịp lễ Tết.

Tại các nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, tư tưởng "trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng" chính là quy luật tất yếu của cuộc sống.

Đặc biệt ở Trung Quốc, áp lực từ gia đình về chuyện kết hôn khiến nhiều người mệt mỏi mỗi dịp về quê.

Theo trang Sina, sau nhiều thập kỷ gia tăng đăng ký kết hôn trên cả nước, lượng đăng ký kết hôn ở Trung Quốc năm 2015 giảm 6,3% so với năm 2014 và năm 2014 giảm 9,1% so với 2013. Tuổi kết hôn trung bình cũng tăng khoảng 1,5 tuổi trong 10 năm đầu của thế kỷ 21.

Việc trì hoãn kết hôn ở Trung Quốc là một phần của xu hướng toàn cầu. Giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng không mặn mà với chuyện hẹn hò, lập gia đình những năm gần đây.

Sự đối lập giữa tư tưởng kết hôn của giới trẻ và phụ huynh ra luồng xung đột lớn, và chính từ đó là mảnh đất sinh lời cho dịch vụ thuê người yêu.

Theo Reuters, trước dịp Tết Nguyên đán một tháng, chưa tính đến chuyện cưới xin, những người độc thân tại Trung Quốc bắt đầu lo lắng về việc không có người yêu đưa về quê ra mắt.

Họ tìm tới các dịch vụ cho thuê người yêu trên mạng xã hội như giải pháp tạm thời để tránh bị cha mẹ hối thúc.

Dịch vụ cho thuê người yêu, cho thuê cô dâu, chú rể bùng nổ. Vào những ngày Tết Nguyên đán, dịch vụ này càng đông khách và đắt đỏ hơn bao giờ hết.

Mỗi người một lý do, buộc phải cắn răng chi đậm để có được một người đồng hành đi cùng trong những ngày đầu năm mới.

Tân Hoa Xã cho biết, để có "người yêu hờ" về ra mắt cha mẹ, người thuê phải bỏ ra từ 500 đến 2.000 NDT/đêm (khoảng 1,7-6,9 triệu đồng), nhưng thường đắt hơn vào mỗi dịp lễ Tết hay ở các thành phố lớn và có thể lên đến 6.000 NDT/đêm (hơn 20 triệu đồng). Người dùng được lựa chọn dịch vụ và giao dịch với đối tượng thông qua các mạng xã hội, trang web.

Thiết nghĩ, câu chuyện bỏ tiền mua chuyện trăm năm trong vài ngày Tết chỉ là biện pháp tạm thời trong cảm xúc.

Tuy nhiên, xét về góc độ đạo đức đây là hành vi lừa dối. Những người đi thuê người yêu cũng hoàn toàn có khả năng bị sập bẫy của những kẻ lừa đảo, trộm cắp tài sản hoặc thậm chí bị cưỡng hiếp.

Ngọc Quyền