Đa chiều

Tết & chuyện bao giờ lấy chồng?

Tết Kỷ Hợi 2019 đến rồi, có ai hỏi bao giờ lấy chồng, bao giờ lấy vợ, thì bạn cứ tự tin mà trả lời thôi, không việc gì mà ngại ngần cả.

Tết - là dịp mọi người quây quần, đoàn tụ bên gia đình nhỏ, gia đình lớn để tận hưởng sau một năm làm ăn mệt nhọc, xa xứ. Nhưng những người đến và quá “tuổi cập kê” thì thêm một nỗi lo mà năm nào cũng tới, năm nào cũng phải trải qua, đó là nỗi ngại bị “hỏi cung” về chuyện chồng con!

"Bao giờ lấy chồng?" trở thành tên một MV của ca sĩ Bích Phương (!)

Ca dao có câu “Ăn đua cho đáng ăn đua /Lấy chồng cho đáng việc vua việc làng” bởi lẽ việc yên bề gia thất từ sớm cực kỳ quan trọng. Nhưng năm 2019 rồi, việc chồng con có lẽ là ưu tiên sau cùng với nhiều người. Tiền chưa đủ, nhà chưa có thì liệu có phải “Hôn nhân là nấm mồ chôn tình yêu?”, như nhiều người vẫn “nửa đùa nửa thật” nói với nhau khi nhắc tới chuyện lập gia đình.

Người trẻ thời hiện đại luôn có mối quan tâm lớn về sự nghiệp rồi mới tính tới chuyện hôn nhân, gia đình. Đó là một điều dễ hiểu và hợp lý bởi hôn nhân là kết quả của sự chuẩn bị sau một thời gian dài về mặt tâm lý cũng như vật chất.

Sự cạnh tranh trong nghề nghiệp thì rất lớn, nếu không cố gắng, nỗ lực để đạt được mục tiêu thì rất khó tồn tại ở những thành phố lớn. Câu chuyện làm sao tìm kiếm được công việc mình thích, làm sao học được những kỹ năng mới, làm sao để có sự thăng tiến trong công việc, là quan trọng hơn khi chúng ta ở độ tuổi này.

Theo nhiều khảo sát xã hội học, một trong những yếu tố tác động lớn vào việc ly hôn của nhiều người chính là vấn đề kinh tế, nghề nghiệp, trình độ học vấn... Do đó, việc kết hôn thời nay ngày càng cần nhiều thời gian tìm hiểu nhau, bởi việc các gia đình trẻ (21 - 30 tuổi) ly hôn ngày càng tăng và chiếm đa số.

Việc kết hôn vội vàng khi bản thân còn dở dang chuyện công việc, lương tháng “ba cọc ba đồng” thì sao có thể lo được cho gia đình. Chúng ta bây giờ còn trẻ, trải nghiệm chưa đủ, cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân cho xã hội thì vội gì chứ?

Đã có nhiều bạn trẻ thay vì chọn việc sum vầy với gia đình ngày Tết, thì đã chọn để “xê dịch”, để đi trải nghiệm và một phần lý do là để tránh những câu hỏi về hôn nhân như vậy. Với nhiều người đã ra trường, đi làm vài năm mà chưa có ý định cưới xin thì luôn có nỗi ám ảnh khi mà cứ về quê. Nhưng Tết là dịp để vui, nên cứ vui và vô tư mà “chấp” hết những điều mà bản thân không thích!

Chuyện cưới hay không, cưới bao giờ, là câu chuyện riêng của mỗi người. Với người trẻ, chắc chắn họ đã có dự định riêng với hạnh phúc của mình. Vì điều quan trọng cả đời đâu có thể vì một vài lý do mà vội vàng? Thời gian không chứng minh được chúng ta “ế”, thời gian chỉ chứng minh được sự trưởng thành của bạn, chứng minh rằng chúng ta đã đủ khả năng tạo dựng được một gia đình riêng của mình hay chưa.

Những lời nói, những câu hỏi mà chúng ta cho rằng “hơi thiếu tế nhị” của người khác, cũng là một cách giúp bản thân có động lực hơn. Nên hãy cứ trả lời tử tế và thoải mái về điều đó. Khi nào “thời cơ” tới và khi bản thân biết đâu là “đủ”, thì tất yếu sẽ có hôn nhân mà thôi.

HẠNH MỸ