Xi nhan Trái Phải

Tết "ấm" từ những nỗi đau

Ai cũng muốn có một năm trọn vẹn, bữa cơm tất niên ấm cúng và 3 ngày Tết an vui. Thế nhưng, nhiều người đang vun đắp sự ấm no, hạnh phúc của mình bằng cách làm “đau” người khác.

Mới đây, một đường dây sản xuất rượu vang “siêu tốc” vừa bị phanh phui. Chỉ một lượng nhỏ dung dịch màu, một chút dung dịch màu trắng có mùi giống như mùi cồn đổ đầy vào chai là có thể tạo ra hàng trăm chai rượu thành phẩm chỉ trong khoảng 30 phút. Sau đó, các chai rượu vang giá rẻ được “ngụy trang” trong các giỏ quà rồi “đường đường chính chính” đến tay người tiêu dùng với danh rượu vang hảo hạng.

Và cứ thế, không biết bao nhiêu chai rượu vang giá 18 nghìn đồng/chai/lít đã lên xe thùng, ra ven đô và về với các miền quê ở mọi miền tổ quốc đón Tết.

Lo sợ cho người dân tiêu thụ một thì sợ hãi thái độ của người cung cấp mười. Bởi trước cơ quan chức năng, họ vẫn vỗ ngực đầy tự tin nhà có “ô to, dù lớn”. Điều họ sợ chỉ là kinh doanh không lãi chứ không phải là sự ảnh hưởng của sản phẩm đến sức khỏe người dùng.

Ai cũng cần có "bánh chưng".

Không chỉ có rượu vang rởm, năm 2019, câu chuyện tôm bơm tạp chất, giềng trộn lưu huỳnh, thịt gác bếp từ lợn bệnh chết… lại “tái diễn”. Chúng xuất hiện nhan nhản đến nỗi trở thành thói quen và một phần cuộc sống của người dân. Câu chuyện thực phẩm bẩn vì thế cứ dài thườn thượt từ năm này qua năm khác, như những cuốn tiểu thuyết chương hồi, mỗi hồi đều mới lạ, không đầu, không cuối, không kết… không có khả năng giải quyết.

10km đi xe ôm mất 600 nghìn đồng là câu chuyện tiếp theo tôi muốn đề cập. Tài xế xe Văn Minh “chặt chém” cô gái trẻ đi từ bến xe Mỹ Đình về đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Đáng nói, tại đồn công an, người tài xế tên Tuấn vẫn bịa ra câu chuyện chở chị V. lên tận Bắc Giang mới lấy số tiền đó. Nhưng câu chuyện đầy giả dối ấy cuối cùng cũng không thể bưng bít.

Anh ta phải xin lỗi cô gái và thú thật mọi chuyện. Anh ta mong được tha thứ, bởi hoàn cảnh éo le, sự túng quẫn đã đẩy anh ta đến hành động xấu xa đó.

Theo logic thông thường, một người có học thức, địa vị như một cơ trưởng của Vietnam Airlines còn dính nghi án buôn lậu nước hoa, một bà chủ “lắm tiền, nhiều của” và quan hệ rộng còn sản xuất rượu vang rởm thì một người xe ôm với hoàn cảnh đáng thương như anh Tuấn sao lại không thể “làm tiền” khách bất chấp đạo đức?

Không ai phủ nhận đằng sau câu chuyện sai trái của tài xế Tuấn là một hoàn cảnh đáng được cảm thông. Nhưng, thói “đói ăn vụng, túng làm liều” cần được loại bỏ khỏi xã hội văn minh. Hãy nhìn vào chính nạn nhân bị chặt chém của nhà xe Văn Minh. Cô bé đó ít tuổi nhưng sẵn sàng tha thứ cho hành động sai trái người tài xế vừa gây ra. Thậm chí, cô còn không lấy lại số tiền đã đưa, dù lẽ ra, cô chỉ phải trả 1/10 số tiền ấy.

Xã hội còn rất nhiều người có hoàn cảnh éo le, nhưng nếu cứ mượn đó làm việc sai trái, cứ dung thứ lỗi lầm để xoa dịu nỗi đau thì tội lỗi sẽ kéo dài, xã hội mãi không thể phát triển hơn, văn minh hơn được.

Dù là bà chủ sản xuất dây chuyền rượu vang dởm cũng hay anh lái xe ôm "chặt chém" khách ngoại tỉnh đều giành giật, đều vụ lợi cá nhân để xây cuộc sống ấm no lại được vun đắp bằng nỗi đau, sức khỏe, hạnh phúc của người khác.

Trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, tử tế là điều nên làm. Vì sự tử tế giúp con người gần nhau hơn, tạo dựng nên những giá trị bền vững, giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả