Hồ sơ doanh nghiệp

Becamex TDC báo lỗ 321,7 tỷ đồng, liên tục chậm trả lãi trái phiếu

Kinh doanh và Phát triển Bình Dương lí giải chậm thanh toán lãi trái phiếu là bởi tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc kinh doanh bất động sản và bê tông.

CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC) vừa báo cáo tình tình thanh toán lãi và gốc trái phiếu nửa đầu năm 2023. Trong đó, đối với mã trái phiếu TDC.BOND.2020.700, công ty đã 2 lần liên tiếp không thanh toán đúng hạn.

Theo đó, ngày 15/2/2023, công ty phải thanh toán 23,82 tỷ đồng vào nhưng chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại 16,82 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 17/2, muộn 2 ngày so với quy định khi phát hành trái phiếu.

Tương tự, vào ngày 15/5, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương phải thanh toán 24,24 tỷ đồng lãi cho trái chủ. Tuy nhiên, công ty chỉ thanh toán được 10,24 tỷ đồng và phần còn lại 14 tỷ đồng được thanh toán vào ngày 23/5, muộn 8 ngày so với quy định khi phát hành.

TDC liên tục chậm thanh toán lãi trái phiếu.

Lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700 được phát hành ngày 9/11/2020 với mệnh giá 700 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn ngày 15/11/2025. Phương thức phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành.

Đối với 4 kỳ lãi đầu tiên, lãi suất là 10,5%/năm. Đối với kỳ tính lãi thứ 5 đến kỳ tính lãi thứ 8, lãi suất là 11%/năm. Từ kỳ thứ 9 và các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó công biên độ 5%/năm và không thấp hơn 11,5%/năm.

Lý giải cho việc liên tục chậm trả lãi trái phiếu, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc kinh doanh bất động sản và kinh doanh bê tông.

Tổng quan tình hình tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần đạt 238 tỷ đồng, giảm sâu 70% so với doanh thu 799 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ở một diễn biến khác, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương báo lỗ 312,7 tỷ đồng, ghi nhận tình hình kinh doanh không mấy khả quan so với khoản lãi 23,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận gộp là 55,5 tỷ đồng, giảm 66,3% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính giảm 41,5% từ 165 tỷ đồng về 96,47 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 2,28 tỷ đồng, về 56,19 tỷ đồng.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận gộp của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương tạo ra thậm chí không đủ trả cho chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận sau thuế giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, do lợi nhuận của các công ty con không cao, không biến động nhiều, lợi nhuận tập trung chủ yếu ở công ty mẹ.

Trong bán niên năm 2023, nợ phải trả của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương là 2.965 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đến từ nợ ngắn hạn là 2.276 tỷ đồng, chiếm 77%. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận ở mức 3.837 tỷ đồng.

Thu Hương