Đa chiều

Tây Nguyên dùng dằng

Tây Nguyên đang rất giằng xé giữa bảo tồn và phát triển, giữa “là mình” và hòa nhập.

Ở huyện Chư Păh, Gia Lai có một cô gái tên là Uyên Nie. Cô này người Ê Đê Đắk Lắk nhưng lấy chồng người Jrai ở đây, và giờ là cán bộ phụ nữ xã. Đã tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chồng là bác sĩ, cô mang kiến thức được học và góp nhặt ngoài xã hội để xây dựng làng mình thành làng du lịch văn hóa.

Khó, rất khó, bởi quy luật phát triển và triệt tiêu, quy luật “chân ga chân thắng”. Nhưng giờ, cần một làng Tây Nguyên còn Tây Nguyên nhất, người ta thường tìm tới xã Ia Mnông này.

Ảnh: Văn Công Hùng.

Cô này đã vận động bà con khôi phục lại giọt nước của làng. Nguyên thủy những giọt nước của người Tây Nguyên rất đẹp. Nó không chỉ là nơi cung cấp nước, nơi cả làng chiều chiều kéo ra đấy tắm rửa giặt giũ, mà nó còn là ký ức làng, còn là không gian văn hóa, là nơi thể hiện bản sắc làng nhất. Nhưng giờ, nước giếng có, nước máy có... cái giọt nước nếu còn là nơi trâu bò tắm. Khôi phục lại nó là khôi phục lại ký ức làng, tâm hồn làng, văn hóa làng. Mà làng, hết ký ức, hết tâm hồn, hết nỗi nhớ, hết kỷ niệm... thì làng còn lại gì? Nó cũng chả khác gì cây đa bến nước con đò của người Kinh vậy.

Một nơi nữa cũng được cải tạo là khu... nhà mồ.

Nhà mồ của người Tây Nguyên nó là bãi tha ma như của người Kinh nhưng lại cũng khác bãi tha ma, nghĩa địa người Kinh là vì nó còn... người sống. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết chưa phải là hết, mà chết mới là chuyển sang một trạng thái tạm thời khác. Vì thế dù mang ra khu nhà mồ nhưng hàng ngày người nhà vẫn mang cơm nước ra “tiếp tế” cho người chết, cho ăn, uống bằng cái lỗ thông hơi ở quan tài. Cho tới khi đủ điều kiện, cả thời gian và kinh tế, thì họ làm lễ bỏ mả, người Jrai gọi là P’thi. Và ở cái lễ P’thi ấy một lễ hội văn hóa sẽ được diễn ra, hết sức hoành tráng. Sau lễ ấy thì coi như mới cắt đứt mọi quan hệ giữa người sống và người chết. Nhưng mà lại chưa, bởi những gì người sống để lại cho người chết ở cái lễ P’thi ấy nó tuyệt vời vô cùng: Hệ thống tượng mồ.

Mỗi pho tượng là một thế giới, một sắc thái, bột biểu cảm... nó chính là tâm trạng, cảm xúc của những người tạc tượng. Nó tạo nên một vườn tượng hết sức sinh động và rừng rực sức sống.

Khách du lịch tới Tây Nguyên, nếu biết làng ấy có khu nhà mồ còn tượng mồ thế nào cũng tìm cách ra xem. Như ngắm các tác phẩm nghệ thuật, dù nó sau lễ là bị bỏ hoang, giữa nắng giữa mưa, giữa côn trùng giữa hoang lạnh. Thế là cô này nghĩ ra sao ta không biến nơi này thành chỗ tham quan.

Nó đơn giản là, khu nhà mồ cũ vẫn giữ nguyên, nhưng làm cho nó sạch sẽ vệ sinh hơn, cách một đoạn có một khu đất trống, ở đây là khu nhà mồ cách điệu. Ngồi đây ẩm thực và... ngắm nhà mồ thật bên kia. Đúng là rất thú vị.

Còn nhiều nơi như thế.

Có nhiều cách để Tây Nguyên vừa phát triển lại vừa giữ mình. Tất nhiên có cách đúng, có cách... gần đúng, có cách tương đương... phá.

Thì những ngôi làng Tây Nguyên chằn chặn, những ngôi nhà tôn, xi măng xen với nhà mái bằng nhà bê tông, đến nhà rông cũng bê tông với tôn đỏ rực, những khu nhà mồ toàn mộ xây dày xít... đang là thực trạng của không gian làng Tây Nguyên hôm nay.

Nhưng biết làm sao khi chúng ta đã không lường trước sự phát triển, khi mà dân số tăng mà đất không nở, khi mà ngay một số chính sách chúng ta đã áp dụng một cách đại trà và máy móc mà không dựa vào từng tình huống cụ thể. Ví dụ như chúng ta từng phát triển nhà rông văn hóa ồ ạt, và ngay áp dụng mô hình nông thôn mới theo mẫu chung cho từng làng cụ thể.

Làng, nó là ký ức, là tâm hồn, là nỗi nhớ, là máu thịt của từng cá thể, từng cộng đồng cụ thể. Nó gắn với rất nhiều yếu tố liên quan, cả cụ thể và rất mơ hồ, nó là tâm linh lại là lý trí, là nơi cá nhân gắn với cộng đồng nhất định. Nó hết sức cá thể, bảo thủ và cũng sẵn sàng bung mở. Nhưng bung mở tới mức mà tất cả giống nhau từ kiểu nhà, kiểu đường, kiểu vườn, kiểu ngõ, kiểu hội trường vân vân thì nó là... phố. Mà người phố ở Việt Nam rất lạ, làm gì thì làm, có điều kiện thì họ lại về làng. Vậy giờ làng như phố thì người phố biết về đâu? Và mất đi những sợi dây dẫu vô hình nhưng rất bền chặt và nhân văn ấy, người phố, người đi xa còn lại gì? Vấn đề này không chỉ làng Tây Nguyên mà còn là của tất cả làng người Việt.

Tây Nguyên đang rất giằng xé giữa bảo tồn và phát triển, giữa “là mình” và hòa nhập, giữa yên tĩnh và náo động, giữa hiện tại và tương lai...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.