Tâm sự

“Tay máy” đầu trọc

Tôi trân quý anh – một phóng viên ảnh âm thầm cống hiến cho nghề, cho tòa soạn. Một người tận tụy, trách nhiệm, và đầy đam mê.

Tháng 1/2019, Trưởng ban Phóng viên hội tụ thuộc báo Đời sống và Pháp luật khi ấy là nhà báo Trần Mạnh Quyết có tiếp nhận một phóng viên vào thử việc. Nhìn qua, thấy đó là một nam thanh niên trẻ tuổi, đầu trọc lóc, chiều cao khiêm tốn, đôi vai nhỏ đeo chiếc ba lô hàng chục ki-lô-gam..., tôi biết ngay đó là một phóng viên ảnh.

Báo Đời sống & Pháp luật không phải tờ báo chuyên về ảnh, nhưng vị Trưởng ban khi đó có nói rằng, cần thiết phải phát triển chuyên mục ảnh trên báo điện tử Người đưa tin (nguoiduatin.vn).

So với phóng viên chuyên viết như tôi, chỉ cần chiếc laptop có kết nối wifi, chiếc điện thoại hay chiếc máy ghi âm nhỏ gọn, phóng viên ảnh vất vả hơn nhiều.

Tôi chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình luôn phải vác nặng chục ki-lô-gam máy ảnh và thiết bị trên người, chạy, đi bộ lăng xăng để có được khuôn hình đẹp nhất. Chưa kể, những sự kiện có nhiều báo tham gia thì càng phải chen lấn, lấy chỗ, “săn” góc sao cho đẹp và điều này rất vất vả.

Bức ảnh miêu tả cảm xúc vỡ oà của cán bộ nhân viên bệnh viện Bạch Mai (HN) trong ngày được dỡ cách ly hồi tháng 7/2020 do PV ảnh Đời sống & Pháp luật chụp.

Bộ đồ nghề của phóng viên ảnh có giá trị hàng trăm triệu đồng. Và anh cũng không ngoại lệ. Tranh nhau từng khung hình đã khó lại còn phải kiếm được chỗ để đồ gần vị trí tác nghiệp để không bị mất. Còn khi không có được bức ảnh ưng ý, anh day dứt cũng mất vài hôm.

Trải qua hơn 2 năm làm việc cùng nhau, tôi nhận thấy anh là một phóng viên có tư duy ảnh rất tốt, mang đậm tính báo chí. Anh cũng rất có tâm, tận tụy, xông pha và đặc biệt, rất yêu nghề. Khi xem những bức ảnh, phóng sự ảnh do anh chụp, tất cả đồng nghiệp đều đánh giá cao tay nghề của anh với những nhận xét như: Đặc sắc, có hồn và mang đậm tư duy báo chí.

Nhiều phóng sự ảnh anh dành rất nhiều thời gian để săn được những khoảnh khắc độc, lạ và đẹp. Anh luôm dành nhiều thời gian để sáng tác như một nghệ sĩ thực thụ. Bởi, như anh bảo, một tác phẩm nếu không hoàn chỉnh, có hồn sẽ khó đọng lại trong tâm trí bạn đọc.

Có những sự kiện nóng, anh còn mang cả cô con gái nhỏ đi tác nghiệp cùng vì… không ai trông. Vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông anh cũng là người tác nghiệp đến sau cùng, xuyên đêm cùng lực lượng chữa cháy. Mức độ nguy hiểm của ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy cũng được cảnh báo, tất cả các phóng viên khi ấy đều khi xét nghiệm. Khi chưa có kết quả, anh đi cạo trọc đầu để cho... khuây khỏa. Có kết quả, anh thở phào.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cùng với phóng viên chuyên mục Y tế, anh cũng xông pha tác nghiệp tại các tuyến đầu chống dịch. Những khung hình đắt giá đủ mọi cung bậc cảm xúc đều được anh truyền tải một cách chân thực nhất, xúc động nhất.

Chính những tác phẩm ấy, con người ấy đã nhiều lần đại diện cho tòa soạn được vinh danh tại những lễ trao giải báo chí, hay được trưng bày tại các cuộc triển lãm ảnh…

Bức ảnh chiến sĩ công an Hà Giang đến nhà đón thí sinh đi thi THPT Quốc gia 2019 muộn từng bị coi là "dàn dựng" và khiến PV ảnh ĐS&PL, Người Đưa Tin trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ do anh là người duy nhất "chộp" được khoảnh khắc này.

Anh nói, anh thích làm công việc mình đang làm - công việc của một phóng viên ảnh. Được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, cọ xát nhiều với đời sống thực tế hàng ngày, được buồn vui, sướng khổ với nhân vật…

Điều anh nói tôi cũng thấy dễ hiểu, bởi mỗi phóng viên luôn được trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc, khi thì chạy đua để kịp có một tin nóng sốt, độc quyền. Có khi thì vui mừng, phấn chấn khi có một sản phẩm mang lại hiệu quả cho tờ báo, lợi ích cho xã hội. Cũng có khi, lại băn khoăn vì những điều chưa thể nói hết, hay day dứt, xấu hổ vì những điều mình chưa làm tới, chưa đúng, thậm chí sai sót…

Anh từng chia sẻ, được làm việc và trở thành phóng viên của báo Đời sống & Pháp luật là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Có lần tâm sự, anh bảo được một cơ quan báo chí khác mời sang làm việc nhưng anh đã từ chối. Anh thích cách những con người ở tòa soạn Đời sống & Pháp luật đối xử với anh. Cái anh cảm nhận đó là sự bảo vệ, chở che, động viên nhau cùng làm việc hết mình…

Và, người mà tôi vừa nhắc đến chính là:

PV ảnh Đời sống & Pháp luật Phạm Trọng Tùng - những ngày tác nghiệp trong đại dịch Covid-19

T.H