Thế giới

Tây Ban Nha siết chặt lỗ hổng trong luật chống hiếp dâm

Trước khi trở thành luật, dự luật này lần đầu tiên được đưa ra sau vụ hiếp dâm tập thể gây chấn động năm 2016, khi 5 người đàn ông cưỡng hiếp một cô gái 18 tuổi.

Quốc hội Tây Ban Nha hôm 25/8 đã thông qua luật về chống hiếp dâm, thường được biết đến với tên gọi “Only yes means yes” (Chỉ ừ mới có nghĩa là đồng ý), với 205 phiếu thuận, 141 phiếu chống và 3 phiếu trắng.

Nó từ lâu đã được chính phủ liên minh cánh tả của Tây Ban Nha ủng hộ, chỉ có Đảng Nhân dân bảo thủ và Đảng Vox cực hữu phản đối.

“Đây là một chiến thắng sau nhiều năm đấu tranh. Cuối cùng, đất nước đã công nhận về mặt pháp lý rằng sự đồng thuận là điều cần phải có ở trung tâm của tất cả các mối quan hệ của chúng ta”, Bộ trưởng Bình đẳng Tây Ban Nha Irene Montero tuyên bố. “Từ giờ trở đi không người phụ nữ nào phải chứng minh họ đã phải hứng chịu bạo lực hoặc đe dọa để tố cáo tội ác nữa”.

Theo luật mới, sự đồng ý là biểu hiện rõ ràng ý nguyện của một người, nêu rõ rằng sự im lặng hoặc thụ động không phải là đồng thuận.

Trước khi trở thành luật, dự luật này lần đầu tiên được đưa ra sau vụ hiếp dâm tập thể gây chấn động năm 2016, khi 5 người đàn ông cưỡng hiếp một cô gái 18 tuổi trong lễ hội chạy đua với bò tót năm 2016 ở Pamplona, miền Nam Tây Ban Nha.

Một cuộc biểu tình trước Quốc hội Tây Ban Nha vào năm 2018 chống lại việc trả tự do cho 5 người đàn ông đã cưỡng hiếp thiếu nữ 18 tuổi. Ảnh: NYT

Tại tòa, người ta lập luận rằng đoạn video quay bằng điện thoại của 2 trong số những nghi phạm - cho thấy nạn nhân nằm bất động và nhắm mắt trong khi sự việc diễn ra - là bằng chứng cho sự đồng thuận.

Một thẩm phán cho rằng các nghi phạm chỉ nên bị buộc tội ăn cắp điện thoại di động của nạn nhân.

Nhóm nghi phạm, tự xưng là nhóm “bầy sói” (wolf pack), bị kết án 9 năm tù vì tội lạm dụng tình dục, mức nhẹ hơn so với tội hiếp dâm. Tuy nhiên, sau khi bị dư luận phản đối, tội danh đã được chuyển thành hiếp dâm và bản án tăng lên thành 15 năm tù.

Luật mới xóa bỏ sự phân biệt giữa lạm dụng tình dục và xâm hại tình dục (hiếp dâm) bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng sự đồng ý là yếu tố quyết định. Sự thụ động và im lặng không còn có thể được hiểu là sự đồng ý.

Luật quy định: “Sự đồng ý chỉ có thể được coi là sự đồng ý khi nó đã được thể hiện một cách tự do thông qua các hành động, phù hợp với hoàn cảnh, thể hiện rõ ràng mong muốn của người đó”.

Mẹ của nạn nhân năm 2016 cho biết trong một tuyên bố: “Luật này là kết quả của sự dũng cảm, kiên trì và phẩm giá của một cô gái biết mình muốn sống như thế nào mà không bị phán xét bởi bất kỳ ai, và một người đã quyết định tiến lên phía trước để tất cả chúng ta đều nhận thức được con đường khốn khổ mà quá nhiều nạn nhân đã phải trải qua. Đây là điều mà tất cả chúng ta phải cùng nhau thay đổi”.

Minh Đức (Theo The Guardian, Malay Mail)