Đời sống

Tàu vũ trụ NASA đã đâm trúng tiểu hành tinh, trong sứ mệnh quan trọng

Tàu vũ trụ DART thuộc sứ mệnh thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đã thành công đâm thành trúng vào tiểu hành tinh Dimorphos.

Theo NASA, tàu vũ trụ DART có kích thước bằng một chiếc xe điện hay dùng trên sân goft đã lao vào tiểu hành tinh Dimorphos lúc 19h14 tối 26/9 theo giờ EDT (giờ miền Đông nước Mỹ, tương đương 23h14 tối 26/9 giờ GMT và 6h14 sáng 27/9 giờ Việt Nam) khi đang bay với tốc độ cực lớn 14.000 dặm/giờ (22.500 km/giờ).

Sự kiện này được phát trên webcast của NASA, hình ảnh từng giây do camera của tàu vũ trụ DART cho thấy tiểu hành tinh mục tiêu ngày càng lớn hơn, và cuối cùng lấp đầy màn hình TV của chương trình truyền hình trực tiếp của NASA ngay trước khi tín hiệu bị mất, điều này xác nhận tàu vũ trụ đã đâm vào Dimorphos.

Bề mặt của tiểu hành tinh Dimorphos được máy ảnh của tàu DART ghi lại trong giây cuối cùng trước va chạm. (Ảnh: NASA).

Tàu DART chỉ nặng 600kg, sẽ không đủ để phá hủy hoặc hất tiểu hành tinh Dimorphos đường kính 163 m văng ra xa. Mục tiêu của cuộc thử nghiệm này là nhằm xác định liệu một tàu vũ trụ có thể thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh thông qua lực động học tuyệt đối hay không, khiến tiểu hành tinh bị lệch hướng vừa đủ để giữ cho Trái đất tránh khỏi nguy cơ bị tổn hại.

Kết quả của thí nghiệm có thành công hay không sẽ không được biết cho đến khi có thêm các quan sát bằng kính thiên văn trên mặt đất về tiểu hành tinh vào tháng tới. Nhưng các quan chức NASA đã ca ngợi kết quả ngay lập tức của cuộc thử nghiệm và cho rằng tàu vũ trụ đã đạt được mục đích của nó.

Điều phối viên trưởng của cuộc thử nghiệm, Nancy Chabot, cho biết: “Đây là một thử nghiệm đầy thử thách và chúng tôi đang thực hiện những bước đầu tiên để phát triển công nghệ này trước khi chúng ta thực sự cần nó”.

Tiểu hành tinh nói trên không phải sẽ va chạm với Trái đất, nhưng cuộc thử nghiệm đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm thay đổi quỹ đạo của một tiểu hành tinh chỉ sử dụng lực động năng - và các nhà khoa học hy vọng rằng phương pháp này có thể được sử dụng để chuyển hướng các tiểu hành tinh và ngăn chặn các vụ va chạm kinh hoàng.

Mục tiêu thử nghiệm tiếp theo là một tiểu vệ tinh quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn khoảng 5 lần, được gọi là Didymos.

Quốc Tiệp (t/h)