Sự kiện

Tàu cao tốc đường thủy TP.HCM đi Côn Đảo: Khi giao thông mở đường cho du lịch

Sau nhiều nỗ lực phát triển giao thông đường thủy, một tàu cao tốc đi từ TP.HCM đến Côn Đảo sắp được đưa vào vận hành. Nỗ lực của ngành giao thông đang tháo gỡ khó khăn ban đầu cho du lịch TP.HCM.

Thông tin từ sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đơn vị này đang thực hiện kiểm tra để cấp phép cho tàu cao tốc đường thủy cho một công ty trên địa bàn thành phố, trị giá hơn 60 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tàu cao tốc này sẽ đi thẳng từ TP.HCM đến Côn Đảo để trở thành phương án mới, thúc đẩy du lịch của TP.HCM trong những năm tới.

Dự kiến, với tốc độ từ 27-30 hải lý/giờ, chặng Sài Gòn – Côn Đảo (125 hải lý) khởi hành từ bến Bạch Đằng (quận 1) sẽ có khoảng thời gian di chuyển dưới 5 giờ. Chặng Cần Thơ – Côn Đảo (87 hải lý) sẽ có quãng thời gian di chuyển dự kiến từ 3 - 3,5 giờ. Tàu có thể đạt vận tốc tối đa trên 30 hải lý/giờ và có thể hoạt động ổn định trong mùa biển động, chịu được cấp sóng 7 – 8.

Tàu cao tốc hiện đại được kỳ vọng thúc đẩy giao thông đường thủy. (Ảnh: Hà Nhân).

Được biết, đây là tuyến tàu cao tốc đầu tiên kết nối TP.HCM, Cần Thơ với Côn Đảo, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy du lịch đường biển với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, quản lý văn phòng một công ty du lịch trên địa bàn TP.HCM bày tỏ: "Những năm qua, du lịch từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận, đặc biệt là về các khu vực miền sông nước hầu như không có phương tiện đường thủy di chuyển đưa đón du khách. Trong khi đó, nhu cầu khách du lịch muốn được trải nghiệm, khám phá du lịch theo tuyến đường thủy lại rất cao".

Vì thế, nhiều công ty lữ hành kỳ vọng chuyến tàu cao tốc TP.HCM đi thẳng Côn Đảo khi đưa vào vận hành sẽ giải quyết phần nào hạn chế này của ngành du lịch TP.HCM.

Có thể nói, từ cuối năm 2018, lĩnh vực du lịch đường thủy của TP.HCM đã bắt đầu khởi sắc khi vấn đề hạ tầng giao thông được chấp thuận, đầu tư. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Hoàng Thị Thúy Phương, Phó Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (sở Du lịch TP.HCM) cho biết: “Về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cầu tàu, bến bãi cho tàu thuyền du lịch, sở Du lịch thường xuyên đeo bám, phối hợp với sở GTVT để giải quyết những vấn đề trong chức năng, nhiệm vụ được giao hoặc kiến nghị UBND TP xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền”.

Vấn đề bến bãi, hạ tầng là điểm yếu của du lịch bằng đường thủy tại TP.HCM. (Ảnh: Hà Nhân).

Từ đó, vào tháng 10/2018, UBND TP đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho một số doanh nghiệp du lịch đường thủy được phép tổ chức khai thác du lịch đường sông nội đô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại khu vực Bến Bạch Đằng, quận 1.

Tuy nhiên, phía sở Du lịch TP cũng thừa nhận, số lượng doanh nghiệp lữ hành hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy hiện nay chưa nhiều. Cộng thêm các yếu tố như số lượng điểm dừng chân ít, hệ thống các bến tàu du lịch chưa đồng bộ, thuận tiện, chưa đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, chi phí vận hành cao… nên dẫn đến giá thành các chương trình du lịch đường sông thường cao hơn so với các phương tiện vận chuyển khác.

Ngoài ra, việc nhận định giá vé các chương trình du lịch đường sông cao là phụ thuộc vào từng đối tượng khách du lịch và người sử dụng dịch vụ. Vì khi nhà cung cấp (doanh nghiệp khai thác) xây dựng giá vé đã dựa trên 2 khoản chi phí cơ bản là chi phí cố định, chi phí biến đổi.

Vì vậy, sở Du lịch đang cùng chung tay với doanh nghiệp khai thác các chương trình du lịch đường sông và các đơn vị kết nối (vận chuyển, lưu trú, ăn uống, giải trí, điểm tham quan…) để xây dựng những chính sách về giá hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng khách sử dụng dịch vụ.