Góc nhìn luật gia

Người dân có thể khởi kiện yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường

Tất cả những người bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ cháy của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đều có thể yêu cầu bồi thường.

Những ngày qua, dư luận vẫn đang xôn xao về hậu quả của vụ hỏa hoạn tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra vào chiều tối 28/9. Theo đó, bộ Tài nguyên và Môi trường đã chứng minh khoảng 200m từ tường rào nhà máy, hàm lượng thủy ngân trong không khí ở ngưỡng không an toàn như WHO khuyến cáo.

Cũng theo thông tin mới từ Tổng cục Môi trường, bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cho thấy, 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Rạng Đông (Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông) có sử dụng thủy ngân, có độc tính cao hơn so với viên Amalgam.

Trước thông tin trên, nhiều người dân sống xung quanh Công ty Rạng Đông lo lắng về sức khỏe của mình.

 Cán bộ thuộc Viện Hóa học Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) lấy mẫu đất, nước, bùn, tro xỉ, vữa tường, vỏ bóng đèn vỡ... từ đám cháy nhà máy Rạng Đông để đem về phòng thí nghiệm phân tích.

Theo báo cáo cuối ngày 7/9 của sở Y tế Hà Nội, trong hai ngày 6 – 7/9, đã có 598 người dân (trong đó 84 người dưới 18 tuổi) sống gần vụ cháy Công ty Rạng Đông đến khám sức khỏe tại 2 trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung (Hà Nội).

Trong số này, 204 người được chuyển tuyến trên để xét nghiệm thủy ngân và một số xét nghiệm chuyên khoa, trong đó 16 trường hợp phải điều trị tại các bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, trước hết phải khẳng định việc xảy ra hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông là sự cố ngoài mong muốn. Bản thân Công ty cũng không muốn xảy ra việc như vậy. Sự cố không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn kéo theo rất nhiều những hậu quả khác. Đồng thời, phải nhấn mạnh, nguyên liệu thủy ngân là nguyên liệu mà công ty này được phép sử dụng, đưa vào sản xuất. Bản thân nhà máy đã gửi thư xin lỗi.

Trong ngày đầu đã có 218 người được thăm khám, tư vấn trong đó có 53 người được bác sĩ chỉ định vào viện kiểm tra (Ảnh: Hữu Thắng).

Nguyên nhân vụ cháy, cần được cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ. Vì sao lại xảy ra hỏa hoạn, có do hệ thống PCCC của Công ty chưa đảm bảo hay không? Hay do sự cố điện hoặc cá nhân nào gây nên…? Theo tôi, cần phải làm rõ ràng, minh bạch vấn đề này.

Về việc người dân có thể được bồi thường hay không, vị luật sư cũng đã có ý kiến của mình. Cụ thể, người dân cảm thấy hay nghi ngờ mình bị ảnh hưởng đến sức khỏe sau vụ hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông thì việc đầu tiên mọi người nên đến các cơ sở y tế chất lượng để khám xem mức độ nhiễm độc đến đâu, làm sao để thải độc ra ngoài.

Đó là việc làm đầu tiên bởi sức khỏe con người là vốn quý. Đồng thời các cơ sở y tế phải có đánh giá cụ thể, cảnh báo về ảnh hưởng sức khỏe cho người dân, như thông báo cho họ nhiễm độc thủy ngân sẽ ảnh hưởng như thế nào, mức độ nào? Liệu trình để thải độc phục hồi sức khoẻ ra sao?

“Để đảm bảo yêu cầu bồi thường, người dân nên có chứng từ thuốc men, lộ trình điều trị,... làm cơ sở pháp lý cho mình khi tiến hành khởi kiện. Đồng thời, nếu sức khỏe bị ảnh hưởng, không thể đi làm thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về thu nhập. Đồng thời, mọi người cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần do vụ hỏa hoạn gây nên.

Hiện tại, chính quyền, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý môi trường ngay, hạn chế ngăn ngừa độc hại lây lan. Đừng chần chừ nữa, hay chờ đợi bồi thường từ nhà máy, Thành phố hãy chủ động ứng kinh phí để giải quyết vấn đề, trả lại môi trường trong sạch cho người dân để họ yên tâm, ổn định cuộc sống.

Còn về việc Công ty Rạng Đông sẽ bồi thường ra sao, bồi thường như thế nào thì phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng cũng như hậu quả của vụ cháy”, luật sư Ứng nhấn mạnh.

Nguyễn Hường - Khánh Ngân