Kinh tế vĩ mô

Tập trung đầu tư những ngành thích ứng tốt trong điều kiện dịch

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, chúng ta phải cấu trúc lại ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để tạo đà cho thời gian tới.

Bên lề Hội thảo “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”,ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi về việc phát triển kinh tế trong 2 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Người Đưa Tin (NĐT): Ban Kinh tế Trung ương đang tổ chức 10 Hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, xin ông chia sẻ mục đích của diễn đàn lần này?

Ông Nguyễn Đức Hiển: Việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết 52 ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời Diễn đàn ngày hôm nay gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao cho Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án chủ trương chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, trong hoạt động diễn đàn chúng tôi tổ chức 10 hội thảo chuyên đề, với mong muốn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trong nước, quốc tế, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia, khuyến nghị gì về các mô hình, chính sách để thực hiện quá trình CNH, HĐH của Việt Nam trong thời gian tới, góp phần thực hiện những mục tiêu trong thời gian tới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ông Nguyễn Đức Hiển. Ảnh Công Luân

NĐT: Chủ trương về CNH, HĐH đã được khẳng định suốt 35 năm qua, trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0, để tiếp tục thực hiện mục tiêu này chắc chắn chúng ta cũng phải có những cách tiếp cận mới?

Ông Nguyễn Đức Hiển: Trong 35 năm qua, chủ trương, chính sách về CNH, HĐH đã được Đảng ta đề ra trong các văn kiện, đại hội. Tại Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng xác định phải đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng taọ, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Như vậy trong điều kiện mới như hiện nay, đặt ra vấn đề là phải có cách tiếp cận, tư duy mới trong thực hiện CNH, HĐH, từ vấn đề lựa chọn các mô hình, chính sách, vấn đề ưu tiên trong phát triển công nghiệp, các ngành của nông nghiệp, dịch vụ cũng như các vấn đề về phát triển, kinh tế đô thị, liên kết vùng. Tổng thể tư duy mới về cách tiếp cận CNH, HĐH trong thời gian tới phải được đặt trong bối cảnh mới để phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại, nhưng phải phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

NĐT: Thưa ông, trong thời gian vừa qua Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách, biện pháp nào để phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch?

Ông Nguyễn Đức Hiển: Về kinh tế của Việt Nam trong 10 tháng qua đã chịu tác động tiêu cực rất lớn của đại dịch Covid. Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu khả quan từ đầu tháng 10 vừa qua bằng việc Chính phủ đã thực hiện thay đổi cách tiếp cận từ Chiến lược “Zero Covid” chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”.

Đồng thời với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực triển khai các biện pháp về phục hồi, tăng trưởng kinh tế, các gói hỗ trợ, kích thích phát triển kinh tế trong giai đoạn 2020-2021 đã phát huy các tác dụng tích cực.

Về trung và dài hạn, Chính Phủ đang tích cực xây dựng chiến lược phục hồi, tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam 2021 đang trên đà phục hồi và tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới từ 2022.

NĐT: Trong 2 tháng cuối năm sẽ cần tập trung vào vấn đề gì để kinh tế Việt Nam phát triển thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hiển: Theo cá nhân tôi, trong 2 tháng cuối năm vẫn phải tập trung vào vấn đề về mặt cung và tổng cầu. Về mặt cung, vẫn cần các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là cần quan tâm đến vấn đề là các nhóm giải pháp giải quyết những đứt gãy của chuỗi lao động tại các khu công nghiệp, tập trung ở các tỉnh phía Nam và môt số tỉnh tập trung các khu công nghiệp phía Bắc.

Thứ hai là cần có gói kích thích về mặt tổng cầu, tức là hỗ trợ về mặt người dân như quan tâm các vấn đề an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề việc làm, nhà ở cho công nhân.

Đồng thời phải cấu trúc lại ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để một số ngành thích ứng tốt trong điều kiện dịch bệnh, chúng ta có thể tập trung đầu tư.

Ví dụ như các ngành về y tế, các lĩnh vực sản xuất trong điều kiện dịch bệnh vẫn có thể kiểm tra, giám sát được bằng việc thông qua các ứng dụng công nghệ. Hoặc phát triển các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng đây là những thế mạnh mà Việt Nam có thể tập trung tạo đà phục hồi trong 2 tháng cuối năm cũng như trong những năm tới.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Công Luân - Lan Anh thực hiện