Công nghệ

Tập đoàn chip hàng đầu Trung Quốc SMIC tiếp tục mở rộng sản xuất

Các tập đoàn chip hàng đầu Trung Quốc đại lục như SMIC và Hua Hong đang có kế hoạch mở rộng sản xuất nhờ doanh thu và lợi nhuận kỷ lục cùng nhu cầu chip tăng cao.

Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đại lục SMIC cho biết chi phí tài sản cố định của tập đoàn trong năm 2022 sẽ rơi vào khoảng 5 tỷ USD. Phần lớn trong số đó sẽ được dùng cho 3 dự án cơ sở sản xuất chip mới tại Bắc Kinh, Thâm Quyến và Thượng Hải, bên cạnh việc mở rộng các nhà máy đang hoạt động. 

Năm 2021, doanh thu của SMIC tăng 30% so với năm trước lên mức 35,6 tỷ NDT (khoảng 5,6 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 147% so với năm trước lên mức 10,7 tỷ NDT (khoảng 1,68 tỷ USD). 

Trong khi đó, tập đoàn sản xuất chip lớn thứ 2 Trung Quốc đại lục là Hua Hong cũng đang tăng cường năng lực sản xuất và có kế hoạch niêm yết tại Thượng Hải. Doanh thu năm 2021 của Hua Hong tăng 70% so với năm 2020 lên mức 1,63 tỷ USD, lợi nhuận ròng tăng gần 700% lên 231 triệu USD.

Kết quả kinh doanh khả quan của 2 tập đoàn chip này đến từ việc nhu cầu chip sử dụng công nghệ trưởng thành của các khách hàng tăng mạnh, chẳng hạn như các công ty sản xuất ô tô và đồ điện tử gia dụng. 

3 nhà máy mới của SMIC ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đều tập trung vào tiến trình 28 nm hoặc lớn hơn, vốn đi sau công nghệ của tập đoàn hàng đầu thế giới TSMC vài thế hệ nhưng vẫn đem lại doanh thu tốt. 

Nhà phân tích Sravan Kundojjala từ Strategy Analytics cho biết: “SMIC là một công ty quan trọng lĩnh vực chip công nghệ trưởng thành, do có quan hệ với tất cả các công ty chip smartphone hàng đầu như Qualcomm, MediaTek và Unisoc… Hua Hong lại có lợi thế lớn hơn trong lĩnh vực ô tô và công nghiệp nói chung”.

Việc SMIC mở rộng sản xuất phản ánh chính sách tiến đến tự chủ công nghệ chiến lược của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng về công nghệ với Mỹ. Tháng 12/2020, Mỹ đã đưa SMIC vào Danh sách Thực thể do lo ngại an ninh quốc gia, qua đó yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ phải có giấy phép trước khi bán thiết bị tiên tiến cho SMIC. 

Phía Mỹ cũng đã cảnh báo rằng nếu SMIC vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của tập đoàn này. 

Trong khi đó, có một số dấu hiệu cho thấy SMIC đang giảm dần quy mô R&D của mình. Chi tiêu R&D của SMIC giảm từ 17% doanh thu năm 2020 xuống 11,6% năm 2021, còn số nhân sự R&D giảm từ 2335 người năm 2021 xuống 1758 người năm 2021.

Một số nhà phân tích cũng đã bày tỏ lo ngại rằng do các tập đoàn chip tăng cường sản xuất để giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng, sẽ có khả năng xảy ra hiện tượng thừa sản lượng chip ở một số lĩnh vực nhất định trong tương lai.

Tùng Phong (Theo SCMP)