Đối thoại

Tạo “van khóa”, chống thâu tóm hợp tác xã

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các cơ quan đã cố gắng để quy định vừa có “van khóa” vừa tạo điều kiện cho chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong HTX.

Ngày 5/4, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Về việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách; bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn Hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn Hợp tác xã.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đề nghị quy định Hợp tác xã không cần nộp phí để lưu giữ thông tin, cơ sở dữ liệu của các chủ thể kinh doanh.

Tại Điều 105 về kiểm toán đối với các pháp nhân, đại biểu cho rằng quy định như vậy khắt khe hơn so với doanh nghiệp và chưa tuân thủ nguyên tắc được ưu tiên, ưu đãi, được hỗ trợ thuận lợi hơn so với các loại hình mô hình tổ chức kinh tế khác.

Về chuyển nhượng vốn góp tại Điều 78, dự thảo không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho các cá nhân, các tổ chức không phải là thành viên Hợp tác xã để tránh việc mua bán cổ phần như đối với doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng quy định như vậy chưa thật sự thuyết phục, bởi vốn các thành viên đóng góp vào các tổ chức kinh tế tập thể là tài sản. Đối với mỗi cá nhân, tài sản phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đại biểu đề nghị xem xét nghiên cứu thêm, không nên giới hạn quyền chuyển nhượng, mua bán của các chủ thể đóng góp tài sản hình thành tài sản của tổ chức kinh tế tập thể…

Đại biểu Trần Văn Lâm nêu ý kiến tại Hội nghị.

Liên quan đến quy định góp vốn vào hợp tác xã, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị UBTVQH xem xét, cân nhắc việc cho phép chuyển nhượng vốn giữa các thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Bởi, theo đại biểu nếu việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm mất đi bản chất của hợp tác xã, làm cho các tổ chức kinh tế hoạt động như loại hình công ty cổ phần.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ các thông tin quan trọng bổ ích để cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Về vấn đề chuyển nhượng vốn góp của các thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết các cơ quan đã cố gắng để quy định vừa có “van khóa” vừa tạo điều kiện cho chuyển nhượng vốn giữa các thành viên.

Xem thêm: 

>>> ĐBQH đề xuất nghiên cứu đàm phán giá đối với thiết bị, vật tư y tế

>>> Khoảng 11,5 triệu lượt góp ý đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)