Giáo dục

Tạo cơ hội việc làm từ học ngôn ngữ

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc học tập ngôn ngữ và văn hoá Italia có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu kinh tế - xã hội.

Sáng nay (18/10), hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá Italia trong kỷ nguyên số” đã được Trường Đại học Hà Nội (HANU) phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội bày tỏ sự biết ơn và tin tưởng rằng các vấn đề được đề cập tại hội nghị lần này sẽ giúp ích cho việc phát triển chương trình giảng dạy, các vấn đề sư phạm và đổi mới nghiên cứu.

Ông Nguyễn Văn Trào cho biết: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ thúc đẩy sự đổi mới trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả giáo dục.

Tại HANU, chúng tôi tự hào khi quy tụ được cộng đồng các nhà giáo dục để truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo trên toàn cầu. Các biện pháp đã được thực hiện để giải quyết các vấn đề về nghiên cứu, dịch vụ dạy và học cho sinh viên và các bên liên quan khác”.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội.

Thầy Trào đánh giá hội thảo ngày hôm nay là nhằm cung cấp một nền tảng và một cơ hội quý giá để những người tham gia học hỏi, chia sẻ và trình bày những hiểu biết sâu sắc từ quan điểm của riêng họ.

Tập trung vào các lý thuyết và thực tiễn tốt nhất ví dụ như việc giảng dạy tiếng Ý ở Việt Nam và trên thế giới; văn hóa và công nghệ trong giảng dạy tiếng Ý; cơ hội và thách thức liên quan đến giáo dục ngôn ngữ Ý trong thời đại số.

Cũng tại hội thảo, ông Paolo Epifani - Phó Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam cho biết: “Quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Italia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tôi ở Việt Nam, vì chính nhờ ngôn ngữ và văn hóa mà chúng ta mới gặt hái được những thành quả trong chính trị và kinh tế”.

Ông Paolo Epifani cũng cho rằng ở Việt Nam, một đất nước có vẻ rất xa xôi về lịch sử và truyền thống, việc học tiếng Italia chính là chìa khóa để đưa hai đất nước xích lại gần nhau, đối thoại với nhau và để rồi khám phá ra những nét tương đồng trong sự khác biệt. Trong suốt thời gian qua, số lượng sinh viên theo học tiếng Italia liên tục tăng với hai định hướng nghề nghiệp và ngày càng có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp lựa chọn tiếp tục con đường học tập ở Italia.

Phó Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam cho rằng học tiếng Italia giúp hai nước xích lại gần nhau.

Tạo cơ hội việc làm từ ngôn ngữ Italia

Trình bày tham luận về tầm quan trọng của việc nghiên cứu ngôn ngữ Italia trên thế giới, GS.Valerio De Cesaris - Hiệu trưởng Trường Đại học dành cho người nước ngoài Perugia, Italia thông tin: “Trên thực tế việc nghiên cứu và học ngôn ngữ ngày càng gắn liền với các cơ hội việc làm mà mỗi ngôn ngữ đó mang lại.

Nhưng ở nhiều quốc gia dường như tiếng Italia chưa mang lại cơ hội việc làm ngay tức thì. Tuy nhiên nó vẫn rất hấp dẫn và ngày nay vẫn là một trong những ngôn ngữ được nghiên cứu và học tập nhiều nhất trên thế giới”.

Ở đây, chuyên ra phân tích một số ngôn ngữ, chẳng hạn như tiếng Trung, tiếng Nhật, hay tiếng Tây Ban Nha, đã rất phổ biến trên thế giới. Còn tiếng Anh luôn được coi như một ngôn ngữ của toàn cầu.

Trái lại, một số ngôn ngữ của các nước châu Âu nhỏ hơn đang suy giảm mạnh. Còn tiếng Italia thực chất khá ổn định. Nhiệm vụ của các trường đại học là phải duy trì được hoạt động giảng dạy và các khóa học. Vì vậy, công tác giảng dạy của các thầy cô có vai trò rất ý nghĩa đối với việc truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Italia.

“Tiếng Italia là ngôn ngữ của văn hóa. Từ lâu, nó được coi là ngôn ngữ gắn liền với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, văn học.

Không giống như các ngôn ngữ khác được phổ biến chủ yếu nhờ vào sự mở rộng lãnh thổ hoặc giao thương kinh tế giữa các quốc gia, tiếng Italia được lan tỏa như một phương tiện truyền bá cho một nền văn hóa”, GS.Valerio De Cesaris bày tỏ.

GS.Valerio De Cesaris - Hiệu trưởng Trường Đại học dành cho người nước ngoài Perugia, Italia.

Tiếng Italia không phổ biến nhờ vào sự mở rộng quân sự hay kết nối giao thương của đất nước hình chiếc ủng.

Nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò của nền kinh tế trong việc truyền bá tiếng Italia, bởi vì Italia là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới (hiện ở vị trí thứ tám) có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 600 tỷ euro vào năm 2022 và có nhiều chi nhánh công ty ở hầu hết các nước. Tuy nhiên, sự lan tỏa của tiếng Italia trên thế giới chủ yếu là bởi đó là ngôn ngữ của văn hóa.

Trước tầm quan trọng của việc lan toả ngôn ngữ, chuyên gia cũng đưa đến hội thảo một số giải pháp trong công tác giảng dạy: “Chúng tôi đang cố gắng tạo ra sự liên kết giữa ngôn ngữ, văn hóa và vùng miền, đồng thời giúp các sinh viên nước ngoài tiếp cận những thế mạnh ưu việt của Italia và đặc biệt là của vùng Umbria, miền trung Italia, nơi có  thủ phủ Perugia”.

Bên cạnh những chuyến thăm quan các thành phố nghệ thuật cũng như các di tích, bảo tàng, nhà thờ và những tòa nhà lịch sử nổi tiếng, nhà trường cũng tạo cơ hội cho sinh viên của mình đến thăm các doanh nghiệp trong thành phố, thực địa tại các hầm rượu, thăm quan hoạt động sản xuất tại địa phương trong lĩnh vực nông sản hay thời trang.

Theo chuyên gia, bằng cách này, sinh viên không chỉ tăng cường kiến thức ngôn ngữ của mình mà còn làm giàu thêm vốn hiểu biết về nền nghệ thuật phong phú của Italia cũng như am hiểu hơn về những sản phẩm tinh túy mang thương hiệu Italia.

Hoa Trà - Minh Đức