Đời sống

Táo bạo dự án khoan vào lòng núi lửa, mở "đường hầm xuống địa ngục"

Các nhà nghiên cứu dự định khoan sâu vào lòng núi lửa đang hoạt động với hy vọng có thể khai thác được những nguồn năng lượng mà trước đây chúng ta phải bó tay.

Với hồ nước lớn màu xanh ngọc lam, những cột khói nghi ngút và bọt lưu huỳnh sôi sục, núi lửa Krafla ở đông bắc Iceland là một trong những kỳ quan tự nhiên ấn tượng. Tại đây, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đang lên kế hoạch khoan một "đường hầm" sâu 1,2km vào lớp đá nóng chảy của núi lửa trong dự án nhằm tạo ra đài quan sát magma (mắc ma) dưới lòng đất đầu tiên trên thế giới. Nó được ví von là "đường hầm xuống địa ngục".

Ra đời vào năm 2014 và lượt khoan đầu tiên dự kiến bắt đầu năm 2024, dự án 100 triệu USD quy tụ các nhà khoa học và kỹ sư từ 38 viện và công ty ở 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp. Nhóm nghiên cứu "Krafla Magma Testbed" (KMT) kỳ vọng, dự án có thể giúp họ lần đầu tiên quan sát đá nóng chảy ở nhiệt độ 1.300 độ C sâu dưới lòng đất.

Khác với dung nham phun trào trên bề mặt, đá nóng chảy bên dưới núi lửa vẫn là một bí ẩn. KMT là đài quan sát magma đầu tiên trên thế giới, theo Paolo Papale, nhà núi lửa học ở Viện Địa vật lý và Núi lửa học Italy (INGV). Papale và cộng sự chưa bao giờ quan sát magma dưới lòng đất, trừ những lần tình cờ khoan trúng ở Hawaii và Kenya và tại Krafla vào năm 2009.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng dự án mới có thể dẫn tới nhiều thành tựu trong khám phá năng lượng địa nhiệt đồng thời phát triển một hệ thống cảnh báo sớm về các vụ phun trào núi lửa trên khắp thế giới.

Theo AFP, đài quan sát magma là kết quả từ một phát hiện ngoài dự kiến. Năm 2009, khi các kỹ sư mở rộng nhà máy điện địa nhiệt Krafla, một mũi khoan tình cờ đâm trúng hốc magma nóng 900 độ C ở độ sâu 2,1 km. Khói phun ra từ hố khoan và dung nham phun trào lên tới 9m, làm hỏng vật liệu khoan nhưng không có vụ phun trào nào xảy ra và không ai bị thương.

Những chuyên gia nhận thấy họ có thể ở gần một buồng magma ước tính chứa khoảng 500 triệu m3 magma. Họ rất bất ngờ khi phát hiện magma ở vị trí nông như vậy.

Phát hiện tình cờ cũng thu hút sự quan tâm của Landsvirkjun, công ty điện quốc gia của Iceland. Magma tại khu vực gần ở dạng magma lỏng, tức đá có nhiệt độ nóng tới mức chất lỏng "siêu tới hạn", trạng thái giữa lỏng và khí. Magma tạo ra một lượng lớn hơi nóng thoát khỏi núi lửa ở nhiệt độ 450 độ C. Nó có thể tạo ra năng lượng gấp 5 đến 10 lần so với một nhà máy địa nhiệt bình thường.

Tuy nhiên việc khoan sâu vào lòng núi lửa đang hoạt động là một thách thức. Vật liệu cần có khả năng chống xói mòn gây ra bởi hơi nước siêu nóng. Bên cạnh đó các nhà khoa học cũng lên tiếng cảnh báo việc này có nguy cơ gây ra một vụ phun trào khủng khiếp. Theo họ, chỉ một chút sai sót trong quá trình khoan có thể vô tình kích hoạt một vụ phun trào núi lửa đáng lo ngại.

Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tiền Phong)