Sự kiện

Tăng tuổi nghỉ hưu, không nghỉ bù dịp Tết nguyên đán, thống nhất giờ làm toàn quốc: Nên hay không?

Ngày 13/5, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức toạ đàm góp ý xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý, đại diện Hội Luật gia Việt Nam đã được đưa ra liên quan đến các quy định về giảm giờ làm, tăng tuổi nghỉ hưu hay thời gian nghỉ Tết nguyên đán...

Bộ luật Lao động (sửa đổi) của bộ LĐ-TB&XH đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra bàn thảo và thu hút sự góp ý, phản biện của cộng đồng.

Hội Luật gia Việt Nam có nhiệm vụ tham gia các công đoạn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ luật Lao động có tác động rất lớn, rất quan trọng. Chính vì vậy, ngày 13/5 Hội Luật gia Việt Nam tổ chức toạ đàm góp ý xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Toạ đàm do ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam chủ trì và có sự tham gia của các chuyên gia pháp lý của một số Bộ, ngành và cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

Tại toạ đàm này, các chuyên gia đã góp ý cho 6 nội dung trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) mà bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến để trình Quốc hội thông qua gồm: Mở rộng khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa; Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động; Thời gian nghỉ Tết âm lịch; Bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7; Thời gian làm việc của công chức viên chức người lao động trong cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội…

Toàn cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhiều ý kiến trái chiều

Bàn về 6 vấn đề nêu trong buổi toạ đàm, các chuyên gia cũng đã có những lập luận của riêng mình. Trong đó, có ý kiến đồng ý với nội dung Bộ Luật lao động (sửa đổi) đưa ra, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét, nghiên cứu kỹ.

Bà Bùi Thị Thoả, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã được tham gia trong suốt quá trình, và ý kiến của Tổng liên đoàn đã được ban thư ký tiếp thu và chỉnh sửa.

Liên quan đến dự thảo này, thứ nhất, quan điểm của Tổng liên đoàn là ở thời điểm hiện nay thống nhất với phương án mở rộng khung tối đa về giờ làm thêm từ 300 giờ đến 400 giờ, với điều kiện trong những lĩnh vực đặc biệt mà Chính phủ quy định.

Thứ hai, về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, cần cân nhắc đối với những người làm trong lĩnh vực đặc thù như giáo viên mầm non… Trong báo cáo đánh giá tác động cũng như tờ trình của Chính phủ, khi đưa ra một tuổi nghỉ hưu chung, thực tế chung nhưng cần phải có sự phân hóa đối với từng ngành nghề và đặc biệt là đối với những người lao động trực tiếp, vì tuổi nghỉ hưu thực tế của họ không đạt được như vậy, thậm chí chỉ ngoài 40 tuổi.

Về tổ chức đại diện của người lao động, phương án hiện nay chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, những vấn đề cụ thể sẽ giao cho Chính phủ phụ trách. Vẫn phải đảm bảo tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị xã hội đại diện cho giai cấp công nhân cho người lao động”.

Bà Bùi Thị Thoả phát biểu tại buổi toạ đàm (Ảnh: Hữu Thắng).

Cũng tham gia ý kiến, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội bày tỏ: “Về nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, quan điểm của chúng tôi là đồng ý mở rộng khung và giờ làm thêm tối đa trong những trường hợp đặc biệt, bổ sung thêm ngành nghề như dệt may, điện tử… Và chỉ tăng thêm 50 giờ/năm để bảo đảm phù hợp với sức khỏe và điều kiện của người lao động.

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, chúng tôi cũng nhất trí tăng tuổi nghỉ hưu, về độ tuổi là 60 – 62 và theo lộ trình chậm để tránh gây sốc cho thị trường lao động, tránh gây tác động không tốt đến tâm lý người lao động và doanh nghiệp. Tôi đề xuất rút xuống tầm 1 tháng đối với tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đủ 60 tuổi 2 tháng và 50 tuổi 3 tháng đối với nữ.

Về thời gian nghỉ Tết âm lịch và thời gian làm việc của công chức, viên chức thì ông Tuyến cho rằng nên giữ nguyên như luật hiện hành vì đã được thực hiện ổn định trong nhiều năm, đồng thời cũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam'.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Huyền, giảng viên khoa Luật ĐHQG Hà Nội cho biết: “Liên quan đến tuổi nghỉ hưu: Đây là một nội dung rất nóng, nếu như tăng tuổi nghỉ hưu để giải quyết bài toán về dân số già, điều này có lý. Nếu như tăng tuổi nghỉ hưu để liên quan đến quỹ bảo hiểm mà chúng ta vừa nói là: Một là tăng tuổi, hai là tăng mức đóng và ba là giảm mức chi trả. Trong 3 mức này, giảm mức chi trả là khó thực thi. Hai mức còn lại thì chúng ta đã tăng mức đóng.

Bộ luật Lao động 2012 đã mở ra hướng định nghĩa lại thế nào là tiền lương và luật Bảo hiểm xã hội đã đưa ra một khung lộ trình là trước ngày 1/1/2016 tiền mức lao động bảo hiểm là trên lương cơ bản, tương đương chức danh và theo công việc thỏa thuận".

Về khung thoả thuận giờ làm thêm tối đa, bà Huyền đề xuất giải pháp không nên tăng giờ làm thêm. "Bởi lẽ trong luật hiện hành đã có quy định về sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động khi tăng ca, tuy nhiên trên thực tế quy định này gần như không thực hiện được và người lao động thường bị ép phải làm thêm giờ thay vì thỏa thuận. Mặt khác, về vấn đề này tôi đọc rất nhiều, phân tích rất nhiều báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc, Nhật Bản thời giờ tăng lên 600 giờ tại sao chúng ta lại ít?", bà Huyền nhấn mạnh.

"Tôi xin chia sẻ rằng: Họ không làm ngày thứ 7, còn chúng ta quy định một tuần 48 giờ, tức là làm kín bằng tất với giờ của quốc tế, không có chuyện chúng ta thấp hơn họ. Mà trong đó xu thế thế giới là giảm giờ làm và tăng lương, nhưng chúng ta lại đi ngược.

Vấn đề nghỉ Tết 5 ngày, theo tôi nên giữ nguyên phương án ban đầu, còn khi đưa ra thì phải thuyết phục lý do tại sao lại sửa như vậy”.

Bà Nguyễn Thanh Huyền chia sẻ quan điểm (Ảnh: Hữu Thắng).

Góp ý cho ban soạn thảo

Phát biểu kết thúc toạ đàm, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao về những ý kiến đóng góp, phát biểu của các chuyên gia. Đồng thời đánh giá cao ban soạn thảo đã đưa ra dự thảo có những điểm mới, cần thiết phải sửa đổi trong Bộ luật Lao động, phản ánh đúng nhu cầu hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một số góp ý:

Thứ nhất, đây là một bộ luật rất quan trọng, có đối tượng điều chỉnh rộng và có tác động lên nhiều đối tượng khác nhau trong những lĩnh vực khác nhau, do đó, việc sửa đổi Bộ luật cần chú ý tới tính căn bản, bảo đảm giải quyết triệt để mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời, phải  đảm bảo được quyền và lợi ích của người lao động.

Thứ hai, Bộ luật Lao động cần chú trọng đến bảo đảm sự ổn định trong xã hội.

Thứ ba, Bộ luật cần đáp ứng được xu hướng chung của thế giới đó là “giảm giờ làm, tăng thu nhập".

Thứ tư, việc giải quyết hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động phải bằng phương pháp dân sự chứ không phải bằng phương pháp hành chính”.

Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao về những ý kiến đóng góp, phát biểu của các chuyên gia (Ảnh: Hữu Thắng).

Liên quan đến 6 vấn đề xin ý kiến, ông Lê Minh Tâm tóm lược: Thứ nhất, về mở rộng khung thoả thuận về giờ lao động tối đa, đa số các chuyên gia cho ý kiến đều không mong muốn tăng thêm khung giờ làm, do đó đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại không nên tăng. Có một số ý kiến nếu có tăng thêm khung giờ thì cần kiểm tra lại đánh giá tác động cụ thể, có tăng tối đa cũng chỉ đến 350 giờ. Đồng thời, nếu tăng giờ làm thì lương cũng phải tăng theo luỹ tiến để bảo đảm quyền lợi của người lao động

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, các chuyên gia cũng đều có băn khoăn, cân nhắc tuổi về hưu, góp ý làm sao có lộ trình phù hợp; Về tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở cần tính toán kỹ, có thể tính đến phương án tạm thời để Chính phủ quy định, cần khảo sát thêm; Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch thì đa số các chuyên gia đều đồng ý giữ như quy định hiện hành.

Về bổ sung ngày nghỉ 27/7 thì đa số ý kiến các chuyên gia góp ý nên cân nhắc lại, vì ngày này không mang tính chất điển hình, hơn nữa chính sách về thương binh liệt sĩ cũng đã tương đối hoàn chỉnh; Về thời gian làm việc của cán bộ công chức thì cần tính toán thêm”.