Thế giới

Tăng trưởng xuất khẩu quý III xoa dịu đà suy thoái kinh tế Trung Quốc

Các nhà phân tích của Oxford Economics nhận định rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu "sẽ tiếp tục củng cố xuất khẩu của Trung Quốc" trong năm tới.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới công bố, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nước này trong tháng 10 đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn so với 28% của tháng 9, nhưng tốt hơn mong đợi trước đó của các nhà phân tích. Giá trị xuất khẩu mạnh mẽ đã nâng thặng dư thương mại của Trung Quốc lên mức 84,5 tỷ USD trong tháng 10.

Con số nhập khẩu mới nhất trong tháng 10/ 2021 ghi nhận tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn con số tháng 9 nhưng thấp hơn so với ước tính 25% theo kết quả thăm dò trước đó bởi hãng tin Reuters. 

Nguyên nhân tăng trưởng xuất khẩu tích cực

Theo CNN, nguyên nhân xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng tích cực là do nhu cầu toàn cầu khôi phục hậu đại dịch cùng với xu hướng tích trữ hàng hóa của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng cho mùa mua sắm cuối năm. 

Về mặt nhập khẩu, ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao về thị trường châu Á - Thái Bình Dương Công ty môi giới đầu tư Oanda (Mỹ), nhận định: “Những thách thức trong khâu hậu cần đã cản trở nhập khẩu, cùng với việc Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại sẽ gây ra những rủi ro. Đặc biệt là khi Covid-19 bùng phát tại các bến cảng và nhà máy ở những khu vực quan trọng”.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Bắc Kinh. Ảnh: Shutterstock.

Thặng dư thương mại gia tăng giúp Trung Quốc tăng cường dự trữ ngoại hối, vốn đã là nước dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) , tổng số tiền nước này dự trữ đã tăng lên hơn 3,2 nghìn tỷ USD vào tháng 10, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2021. SAFE cho biết mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi và "những biến động trên thị trường tài chính quốc tế", nền kinh tế Trung Quốc "tiếp tục phục hồi, với khả năng phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng lớn".

Áp lực tăng trưởng kinh tế

Theo ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho, những con số thương mại khả quan đã giúp xoa dịu những áp lực khác đối với tăng trưởng trong quý IV. Những áp lực đó bao gồm sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế tại các địa phương, chiến lược “Zero Covid-19” gây tốn kém, sự thiếu hụt điện năng và chi phí sản xuất leo tháng những tháng gần đây.

Trước đó, vào thứ Bảy ngày 6/11, giới chức y tế Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid-19” nhằm quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng, khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này là “tuân thủ theo khoa học”.

Theo CNN, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến bất ổn trong lĩnh vực bất động sản, khủng hoảng năng lượng, khâu vận chuyển trong chuỗi cung bị gián đoạn cũng như giá mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao. Theo công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 18/10, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng 4,9% trong quý III, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý III/2020. Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 7,9% trong quý II và 18,3% trong quý I năm nay.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: CNBC.

Kỳ vọng về thương mại quốc tế

Các nhà phân tích của Công ty tư vấn Oxford Economics dự báo đà xuất khẩu "vẫn yếu" trong ngắn hạn do số lượng các đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Tuy nhiên, họ nhận định sự phục hồi kinh tế toàn cầu "sẽ tiếp tục củng cố xuất khẩu của Trung Quốc" trong năm tới.

Theo ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng Công ty Pinpoint Asset Management có trụ sở ở Hong Kong, xuất khẩu mạnh sẽ giúp "giảm bớt sự suy yếu của nền kinh tế trong nước". Ông Zhang cho biết thêm chính phủ Trung Quốc "có thể đợi đến cuối năm để nới lỏng các chính sách tài khóa và tiền tệ, khi mà hoạt động xuất khẩu đã phần nào "xoa dịu" đà suy thoái kinh tế”.

Phạm Thu Thanh (theo CNN)