Kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin: Phân tích và dự báo

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song ngành công nghệ thông tin vẫn đạt được những tăng trưởng đáng kể trong 10 tháng năm 2021.

Tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ước tính trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 2.562 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110,7 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, doanh thu các doanh nghiệp Việt Nam là 292.000 tỷ đồng chiếm 11%. Doanh thu quý III đã tăng trưởng 26,8% so với quý II (quý II sụt giảm 14% so với quý I).

Trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử chiếm gần 90%, đạt khoảng 2.270 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 98,1 tỷ USD). Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt 88,3 tỷ USD chiếm khoảng 32,5% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng việc phát triển lĩnh vực an toàn an ninh mạng trong năm 2021 đã có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, doanh thu dịch vụ an toàn an ninh mạng trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 1.535 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020.

Trong lĩnh vực bưu chính, do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 nên doanh số của các doanh nghiệp bưu chính bị sụt giảm. Tuy nhiên đến tháng 10, các doanh nghiệp bưu chính từng bước khôi phục sản xuất khi các địa phương dần trở về trạng thái bình thường mới và tạo tiền đề cho tăng trưởng trong quý IV, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cả năm 2021. Tính đến tháng 10/2021, tăng thêm 70 doanh nghiệp bưu chính. Doanh thu bưu chính đến hết quý III ước đạt 7.500 tỷ đồng.

Trong tháng 10/2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước tăng 0,09% so với cùng kỳ năm 2020. Số thuê bao điện thoại thông minh đạt 91,71 triệu (chiếm 74,1% số thuê bao điện thoại di động), tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” và triển khai phủ sóng các điểm lõm sóng còn tồn tại trên cả nước (khoảng 2000 điểm).

Các giải pháp đồng bộ

Để tiến tới mục tiêu xử lý triệt để sim rác vào cuối năm 2021, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, quyền lợi của người dân, đồng thời tạo nền tảng để chính doanh nghiệp viễn thông triển khai các dịch vụ mới như định danh số, tiền di động (Mobile Money)... Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp đồng bộ như: Tiến hành kiểm tra thông tin thuê bao, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động mua bán, đăng ký, quản lý thông tin thuê bao tại các điểm bán SIM, đăng ký thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý theo quy định; chỉ đạo hoàn thiện biện pháp cơ chế chặn tự động trên hệ thống của doanh nghiệp để đảm bảo từ ngày 1/8/2021, tất cả thuê bao phát triển mới không vi phạm các tiêu chí trong thỏa thuận ngăn chặn, xử lý SIM rác.

Đến tháng 10/2021 đã có hai nhà mạng là Viettel và VNPT đã đáp ứng các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Phân tích và dự báo

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Rikkeisoft - một doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm vẫn có tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 10%. Đặc biệt, trong 3 quý đầu năm 2021, doanh thu lĩnh vực trọng tâm của công ty là xuất khẩu phần mềm đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định đại dịch Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với ngành công nghệ thông tin, ông Nguyễn Viết Lâm - Phó Tổng giám đốc Rikkeisoft - cho biết, trong giai đoạn giãn cách, nhận thấy nhu cầu chuyển đổi số tăng mạnh trong ngành bán lẻ và thương mại điện tử, chúng tôi đã tập trung nguồn lực để đáp ứng cho những dự án trong ngành này. “Khách hàng của Rikkeisoft đều là những đại siêu thị hay những chuỗi bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản. Doanh thu cho riêng ngành này của công ty đạt trên 3 triệu USD trong 3 quý đầu năm 2021” - ông Nguyễn Viết Lâm nói, đồng thời cho hay, các mảng công nghệ cao như AI và Blockchain của Rikkeisoft cũng thu về được những thành công rực rỡ. Các dự án do công ty đầu tư và phát triển đã huy động được gần 12 triệu USD từ các quỹ nước ngoài và tổng định giá hơn 100 triệu USD.

Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay, đại dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập và làm việc của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, đợt dịch từ tháng 4 năm 2021 đến nay đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho mọi hoạt động của người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã kiên cường vươn lên trong đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, thậm chí có doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng lên đến trên 300%” - Thứ trưởng Phạm Đức Long thông tin, đồng thời dẫn chứng, 76 doanh nghiệp công nghệ thông tin được vinh danh TOP 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021 có tổng doanh thu đạt 186.694 tỷ đồng, tương đương 8,054 tỷ USD, chiếm hơn 60,74% doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - nhận định, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư khốc liệt này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn xã hội và tác động nặng nề lên nền kinh tế. Tuy nhiên cũng là động lực để các ngành, lĩnh vực có sự chuyển mình, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội, là địa hạt lớn để các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam khai phá và phụng sự đất nước.

Theo dự báo của IDC - hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, cuối năm 2022, có 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp. Đặc biệt, đầu tư vào chuyển đổi số toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2023 dự kiến sẽ đạt 6.800 tỷ USD.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - nhấn mạnh, với tinh thần phát huy nội lực, sức sáng tạo, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần chớp lấy thời cơ, gánh vác trách nhiệm tiên phong, xung kích trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Hương Anh (tổng hợp)