Sự kiện

Cần tăng tốc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội

Để lượng người tham gia BHXH cao, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

"Nước rút" phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT

Mới đây, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; số tiền chậm đóng BHXH, BHYT ở một số địa phương vẫn còn nhiều. Việc các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp để nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).

Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2022, giảm số tiền chậm đóng xuống mức thấp nhất, BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh quyết liệt thực hiện một số giải pháp trong giai đoạn "nước rút".

Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, các địa phương cần tham mưu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện đưa vào Nghị quyết hàng năm về chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; đề xuất hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng có hoàn cảnh khó khăn, người mới thoát nghèo, nông thôn mới, người dân sinh sống tại các xã mới thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Với các địa phương đã có Nghị quyết của HĐND về hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHYT, kịp thời lập danh sách người tham gia để cấp thẻ BHYT.

BHXH các tỉnh quyết liệt rà soát, khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành; phân công cán bộ bám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường các giải pháp đôn đốc, vận động người tham gia BHYT hết hạn sử dụng thẻ BHYT nhưng chưa tham gia lại; vận động, phấn đấu có ít nhất 70% người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình và 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi tham gia BHYT.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức dịch vụ mở rộng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo cam kết với cơ quan BHXH.

Tiếp tục đề xuất UBND tỉnh trình HĐND hỗ trợ ngân sách địa phương hoặc kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT

Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành quý IV/2022, BHXH Việt Nam cho biết, trong tháng 9/2022, BHXH bắt buộc có trên 15,73 triệu người tham gia, BHXH tự nguyện có trên 1,51 triệu người, BHTN có trên 14,02 triệu người, BHYT có trên 87,5 triệu người tham gia - đạt tỉ lệ bao phủ 88,42% dân số…

Theo Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ, để hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2022, trong quý IV, toàn ngành cần thu hút thêm trên 1,93 triệu người tham gia BHXH. Mặc dù số thu đạt kết quả khả quan với 308.053 tỷ đồng (đạt 72,69% kế hoạch), song số tiền chậm đóng hiện lên tới 21.432 tỷ đồng, bằng 5% so với số phải thu...

Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cho biết, trong tháng 8.2022, BHXH Việt Nam đã thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo ngành chủ trì để trực tiếp nắm bắt tình hình và đôn đốc thu, phát triển đối tượng tại các tỉnh, thành phố (chia theo 8 cụm). Sau một tháng triển khai thực hiện kết luận của các Đoàn công tác đã cho thấy những tín hiệu tích cực.

Trước đó, ngày 20/9, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT... Tuy nhiên, tốc độ phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn có dấu hiệu chậm lại trong tháng 9; nhiều địa phương chưa khai thác hiệu quả việc mở rộng độ bao phủ đến các nhóm đối tượng tiềm năng.

Để khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT các tỉnh cần thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND để lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo quy định.

Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức các buổi làm việc với doanh chậm đóng; phân công cán bộ bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đôn đốc đóng đủ, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới.

Tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đã được quy định.

Để hạn chế triệt để tình trạng chậm đóng, BHXH các tỉnh hối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ và các ngành chức năng để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với chủ sử dụng lao động và NLĐ; phê phán các hành vi vi phạm trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trúc Chi (theo Chính Phủ, Lao Động)