Kinh tế vĩ mô

Xuất khẩu gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD trong tháng 1, tín hiệu bứt phá cho năm 2022

Sau khi xuất siêu 11,88 tỷ USD trong năm 2021, ngành gỗ đã mang về kim ngạch xuất khẩu 1,55 tỷ USD ngay trong tháng đầu năm 2022.

Tăng tốc đầu năm 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng 12/2021 và tăng 14,3% so với tháng 01/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 12/2021, tăng 6% so với tháng 01/2021.

Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 01/2022, trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 928,2 triệu USD, tăng 11% so với tháng 12/2021 và tăng 12,8% so với tháng 01/2021; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 12/2021 và tăng 16,3% so với tháng 01/2021; Trung Quốc đạt 134,4 triệu USD tăng 5,4% so với tháng 12/2021, tăng 27% so với tháng 01/2021…

Mặc dù trong tháng 1/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh.

Sau khi xuất siêu 11,8 tỷ USD trong năm 2021, ngành gỗ lại mang về kim ngạch xuất khẩu 1,55 tỷ USD ngay trong tháng đầu năm 2022.

Đây là lần thứ ba kim ngạch vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng. Theo đó, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng là vào tháng 3/2021, khi đạt 1,512 tỷ USD; tới tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lần thứ hai vượt mốc 1,5 tỷ USD/tháng khi đạt 1,55 tỷ USD; tiếp đến, tháng 1/2022 lần thứ ba vượt mốc 1,5 tỷ USD.

Theo báo Công Thương, với kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong 7 nhóm hàng xuất khẩu của cả nước đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong tháng đầu năm và nằm trong "Top 3" nhóm hàng có sự tăng trưởng 2 con số (đứng thứ hai về tăng trưởng sau nhóm hàng dệt may).

Năm 2022 nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng. Đồng thời, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy gỗ và sản phẩm gỗ.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, trong năm 2022, ngành gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, vượt mục tiêu đề ra và tiến gần hơn tới mốc 20 tỷ USD.

Giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh 

Trao đổi với báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends, cũng xác nhận rằng hiện nay nhiều nhà cung cấp gỗ nguyên liệu đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.

Theo chuyên gia này, đại dịch với các hoạt động giãn cách tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam. Nhất là đối với các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu.

“Các gói kích cầu và nguồn vay lãi suất thấp tại các quốc gia này làm bùng nổ nhu cầu xây dựng có sử dụng gỗ nguyên liệu tại đây”, ông Phúc nói, và cho rằng: “Nguồn gỗ xuất khẩu càng trở nên khan hiếm, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao”.

Bên cạnh giá nguyên liệu gỗ tăng cao, theo các doanh nghiệp trong ngành, giá cước vận chuyển cũng tăng cao khiến doanh nghiệp khó khăn.

Giá nguyên liệu gỗ và phí vận chuyển tăng cao đang cản trở doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn Online. 

Thông tin về chỉ số giá cước vận tải toàn cầu Drewry World Container cho thấy cước phí vận chuyển đối với 1 container 40 feet đã tăng từ khoảng dưới 1.500 đô la vào tháng 7/2019 lên tới gần 8.500 đô la vào tháng 7/2021.

“Giá cước vận chuyển và giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng làm cho ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Phúc nói, và cho biết: “Do thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển bây giờ kéo dài hơn 4-5 lần so với trước thời điểm dịch. Điều này làm nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch giao hàng”.

Một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại tỉnh Bình Dương chia sẻ rằng do giá gỗ nhập khẩu cùng với cước phí vận chuyển tăng cao làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ 7-8% xuống còn 3-4%, thậm chí một số dòng hàng hóa chỉ hòa vốn.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ 

Năm 2021, mặc dù chịu tác động không nhỏ do làn sóng dịch Covid-19 nhưng gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,073 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020, chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm so với mức 77,22% của năm 2020. Khối doanh nghiệp FDI đóng góp  7,464 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 22,24% so với năm 2020 tăng cao so với mức 19,7% của toàn ngành; chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (tăng nhẹ so với tỷ trọng năm 2020 đạt 49,35%).

Với thành tích này, Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ hai châu Á, nằm trong top 5 nước trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản. Vì thế mà năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Chúng ta hình thành được hệ thống doanh nghiệp cả trong nước và doanh nghiệp FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp. Cách đây 10 năm, không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt hơn 10 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa.

Trong thành công của ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu phải kể đến sự đóng góp từ chính nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng (rừng sản xuất) trong nước. Năm 2020, khai thác gỗ đạt khoảng 30 triệu m3, trong đó: Rừng trồng tập trung 20,5 triệu m3; gỗ cây vườn nhà, cây phân tán, gỗ cao su khoảng 9,5 triệu m3, đáp ứng 75% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Năm 2021, khai thác gỗ rừng trồng tập trung khoảng 21 triệu m3.

Việc chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ trong nước không chỉ giúp tiêu thụ gỗ rừng trồng cho người dân, giảm giá thành sản xuất, việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước còn góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu của sản phẩm gỗ Việt trên trường quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam-EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) và mới đây, Việt Nam-Mỹ đã đàm phán thành công, khép lại vụ điều tra theo Mục 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam, cho thấy Việt Nam quyết tâm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ có trách nhiệm, nói "không" với nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hương Anh (tổng hợp)