Tiêu điểm

Tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức Hải Phòng: “Tôi không đồng ý”

Đó là khẳng định của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) khi thảo luận về cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố.

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành: Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An và Thanh Hoá.

Liên quan đến nội dung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hải Phòng, đại biểu Lê Văn Dũng bày tỏ quan điểm: “Tôi không đồng ý với cơ chế này vì thực hiện quy chế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong thu nhập với các địa phương khác. Dẫu biết Quốc hội khóa trước đồng ý với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng mà tôi thấy rằng cũng là cán bộ, công chức, viên chức như các địa phương khác nhưng mà địa phương này được mà địa phương khác không được”.

“Nếu cho rằng các địa phương, thành phố có giá cả đắt đỏ thì tôi đề nghị nếu cho các tỉnh, thành phố này được hưởng thì các thành phố trực thuộc tỉnh cũng phải được hưởng cơ chế này. Hoặc nếu cho rằng các thành phố này đông dân, đông đơn vị hành chính khó quản lý và nhằm thu hút nhân tài, thì tôi đề nghị tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cũng phải được hưởng cơ chế này mới đồng bộ. Bởi vì tôi thấy rằng thực hiện cơ chế này là bất bình đẳng với cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị của cả nước ta”, vị đại biểu đoàn Quảng Nam bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam).

Cùng bàn về nội dung này, Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) lại bày tỏ quan điểm trái ngược với Đại biểu Dũng: “Tôi thấy hoàn toàn phù hợp để tạo động lực ổn định cuộc sống và công việc cho lực lượng cán bộ, công chức, thu hút nhân lực chất lượng cao cho thành phố trong bối cảnh đây là một thành phố có mức sống cao, thu nhập của khối doanh nghiệp chênh lệch lớn hơn so với khối công lập”.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng cần phải có sự rà soát và mang tính phổ quát hơn: “Hiện nay trong 4 nghị quyết dành cho 4 địa phương thì có Hải Phòng nêu nội dung này. Cùng với Hải Phòng trước đó Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tôi nghĩ đây là việc làm cũng rất chính đáng. Tuy nhiên việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức cần phải có sự rà soát và mang tính phổ quát hơn nữa cho các địa phương khác”.

Đại biểu Trịnh Xuân An.

“Không phải tự nhiên mà một cán bộ công chức của một tỉnh bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh, ví dụ như Đồng Nai, hoặc Bình Dương lại có thu nhập thấp hơn thành phố bên cạnh mình. Thế rồi cán bộ công chức, viên chức của Hải Phòng tại sao lại thu nhập cao hơn của Hải Dương? Việc này chúng ta cần phải đánh giá thật kỹ. Tất nhiên, việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào khả năng của địa phương, nhưng xuất phát từ việc chúng ta dành sự quan tâm cho con người thì ở đây phải đánh giá rộng ra và cần phổ quát hơn cho các địa phương khác, không chỉ cho các địa phương đang làm thí điểm”, Đại biểu Trịnh Xuân An lý giải.

Đưa ra cái nhìn tổng thể về Dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) thì cho rằng cần cân nhắc kỹ nếu không sẽ dẫn đến sự chồng lấn chính sách đặc thù, đặc biệt cần tính toán thêm để hài hòa lợi ích giữa địa phương với trung ương, địa phương này với địa phương khác. Vì giữa các tỉnh, thành phố có sự khác biệt chênh lệch về thẩm quyền dẫn tới tập trung đầu tư ở khu vực có điều kiện thuận lợi hơn, có thể tạo ra sự phát triển nóng, di dân, tiềm ẩn nguy cơ và đặt ra các vấn đề về an ninh trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Việc nghiên cứu các chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, hiện nay Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan để phối hợp với các tỉnh, thành phố nghiên cứu bổ sung một số chính sách phù hợp với đặc thù của từng tỉnh, thành phố trên cơ sở là diện tích hay quy mô dân số. Để thực hiện cơ cấu tổ chức bộ máy biên chế của các địa phương cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển”.