Góc nhìn luật gia

Tăng thẩm quyền cho công an xã: Cần có cơ chế đảm bảo tính khách quan

Chuyên gia pháp lý cho rằng, tăng thẩm quyền cho công an xã thì cũng cần tính toán bổ sung nhân lực, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ nghiệp vụ...

Bổ sung thẩm quyền cho công an xã là phù hợp

Theo quy định mới, từ ngày 1/12/2021, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ. Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều quan tâm của dư luận xã hội.

Liên quan đến việc tăng thẩm quyền cho công an xã, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng, thực hiện quy định của pháp luật hiện nay, tất cả công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Việc này đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn ra phức tạp, phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Tăng thẩm quyền cho công an xã dẫn đến phát huy tốt được vai trò chính quy, kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho cơ quan điều tra công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Công an xã có thêm trách nhiệm xác minh tố giác, tin báo về tội phạm (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi tăng thẩm quyền cho công an xã trong vấn đề xác minh tin báo là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.

Luật sư Cường nhìn nhận, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh cũng như trong bối cảnh hợp tác kinh tế quốc tế, phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền xác minh tin báo tố giác tội phạm thuộc về cơ quan điều tra Công an cấp huyện trở lên. Công an xã không có thẩm quyền xác minh tin báo. Quy định như vậy dẫn đến việc quá tải của các cơ quan điều tra trong việc xác minh tin báo, giải quyết tố giác tội phạm.

"Lực lượng công an xã đã được kiện toàn, được bố trí lực lượng chính quy, tinh nhuệ, có trình độ, bản lĩnh, có kinh nghiệm trong việc điều tra phá án. Bởi vậy, việc tăng thẩm quyền xác minh tin báo cho công an xã là phù hợp, để giảm tải công việc cho công an cấp huyện, cấp tỉnh. Với lực lượng như hiện nay, những vụ việc đơn giản thì công an xã hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để xác minh tin báo, làm rõ các thông tin bước đầu, làm cơ sở để khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự", luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo luật sư Cường, cùng với việc tăng thẩm quyền cho công an xã thì cũng cần tính toán bổ sung nhân lực, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ nghiệp vụ, trang bị phương tiện vật chất kĩ thuật phải có sự phối hợp giám sát, để lực lượng công an xã hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh phòng và chống tội phạm ở giai đoạn đầu, là giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an Tp.HCM cho hay, hai năm qua, công an đã chuyển đổi lực lượng về công an xã rất lớn, hầu hết công an xã đều có cán bộ công an chính quy.

Theo ông Quang, lượng xử lý tin báo, tố giác tội phạm đã có hiệu quả hơn, số lượng tin báo tố giác tội phạm và năng lực xử lý của công an xã được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu. Do đó, ông Quang nhận định việc bổ sung thẩm quyền là phù hợp với tình hình hiện nay.

Cần đào tạo thêm, nâng cấp cơ sở vật chất

Theo các chuyên gia pháp lý, việc giải quyết tin báo cần phải có cơ chế để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo công bằng, tránh việc vì nể nang họ hàng, làng xóm mà bỏ lọt tội phạm hoặc vì tư thù mà lợi dụng chức vụ quyền hạn để trù dập người khác. Việc xác minh giải quyết tin báo tố giác tội phạm đòi hỏi tính khách quan, trình độ nghiệp vụ và đạo đức của người thi hành công vụ. Để đảm bảo các yêu tố này thì cần phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và đạo đức của cán bộ thì mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Để việc thực thi quy định có hiệu quả, luật sư Cường cho rằng, khi đưa vào tổ chức thực hiện quy định này thì cần phải kiểm tra, kiểm soát đối với từng cơ sở, địa phương. Phân công các vụ việc cụ thể, phù hợp với năng lực trình độ, điều kiện vật chất kĩ thuật và phù hợp với lực lượng của công an xã đối với từng địa phương. Cần phải cân đối khối lượng công việc, số lượng nhân lực, trình độ nghiệp vụ vào việc bố trí phương tiện vật chất kĩ thuật cho phù hợp để đảm bảo công an xã hoàn thành nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp với công an huyện trong việc xác minh tin báo giải quyết đơn thư tố giác tội phạm.

Trước đó, ngày 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đồng tình tăng thẩm quyền cho công an xã nhưng lại băn khoăn mỗi công an được đưa về làm công an xã có nghiệp vụ chuyên môn khác nhau. Có người thuộc khối an ninh, có người thuộc khối cảnh sát, nghiệp vụ không đồng đều, được đào tạo khác nhau. Việc giao thêm nhiệm vụ mới cần được xem xét, đánh giá kỹ về năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi. Thậm chí, nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay còn cần phải có lộ trình thực hiện về đào tạo, tập huấn cán bộ về trang bị cơ sở vật chất.

Về vấn đề trao quyền cho công an xã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, mới đây, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu thủ trưởng công an các địa phương cần khẩn trương có kế hoạch để tiếp tục lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của công an cấp xã.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương cần phải tổ chức tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ để lực lượng công an cấp xã nắm vững và vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn công tác. Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra hoạt động tiếp nhận, xử lý ban đầu tin báo, tố giác tội phạm của công an cấp xã…

 “Xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm là làm rõ các vấn đề có dấu hiệu tội phạm, làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Công an xã không có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự, bởi vậy khi vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm, công an xã có trách nhiệm phải chuyển hồ sơ đến công an huyện để xem xét khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các hồ sơ xác minh tin báo mà không khởi tố vụ án hình sự thì cũng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện để tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm”, luật sư Đặng Văn Cường lưu ý.

Ngân Giang