Sự kiện

Tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế: Các tỉnh thành xem xét thời điểm điều chỉnh phù hợp

Liên quan đến quyết định tăng giá gần 2.000 dịch vụ y tế từ 1/5, mới đây nhất, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thông tư 37.

Gần 2.000 giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng cho người không có thẻ BHYT.

Theo đó, văn bản của bộ Y tế nêu rõ hiện nay có 7 tỉnh, thành phố (Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá, Hưng Yên, Đồng Tháp và thành phố Hà Nội) đã ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân về việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế theo mức giá quy định của thông tư 37.

Mặc dù, thực hiện mức giá theo thông tư 37 chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT và nhiều tỉnh sẽ tác động đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) giảm. Tuy nhiên, để tránh việc tác động đến tâm lý người dân trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện thời gian qua, bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố (chưa có nghị quyết của HĐND về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thông tư 37) giao sở Y tế phối hợp với cục Thống kê địa phương, trường hợp tác động tăng CPI của địa phương thì tạm thời chưa quyết định mức giá theo quy định của thông tư 37 mà xem xét quyết định ở thời điểm phù hợp.

Bộ Y tế cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và nắm được việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng cho người không có thẻ BHYT, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là: Xoá bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với các dịch vụ công có sự kiểm soát của nhà nước; Chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Ngoài ra cần tuyên truyền rõ khi thưc hiện mức giá theo Thông tư số 37 thì số lượng dịch vụ tăng giá, nhiều hơn số lượng dịch vụ giảm giá. Tuy nhiên các dịch vụ tăng giá có mức tăng rất thấp trong khi các dịch vụ giảm giá có mức giảm sâu hơn và tỉ lệ sử dụng dịch vụ nhiều hơn.

Đồng thời, chỉ đạo của bộ Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của bộ Y tế tại chỉ thị 847/CT-BYT ngày 21/8/2018 về các giải pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là không được thu tiền đối với người nhà vào thăm nuôi người bệnh dưới các hình thức như: Tiền áo vàng, tiền quần áo người nhà bệnh nhân (Do giá dịch vụ ngày giường bệnh đã bao gồm chi phí điện, nước, vệ sinh buồng bệnh của người nhà bệnh nhân).

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các nội dung nêu trên về việc triển khai thông tư có hiệu quả đúng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.