Kinh tế vĩ mô

Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”

Đây là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 (Chương trình).

Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương.

100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.

Xây dựng được ít nhất 3 mô hình, dự án thí điểm

Chương trình cũng đặt mục tiêu các địa phương xây dựng được ít nhất 3 mô hình, dự án thí điểm thuộc một trong những dự án, mô hình về: Chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực; Mô hình liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản; Mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc; xây dựng và triển khai mô hình quản trị sổ hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam.

Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác. Khuyến khích, vận động thành lập Hội, Hiệp hội thương lái, nậu vựa tại địa phương.

Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.

Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các vùng miền ven biển, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường từng bước tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”

Nhiệm vụ khác của Chương trình là tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo Luật Thuỷ sản 2017.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm khai thác IUU

Ngày 20/9, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) thực hiện các khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu (EC), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam không cho phép và sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm về khai thác IUU.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ thẻ vàng, tuyệt đối không để EC rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thuỷ sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đề nghị EC sớm gỡ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo, chỉ thị thực hiện các biện pháp để tháo gỡ vấn đề này.

Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được có tiến bộ so với trước, như công tác quản lý đội tàu từng bước đi vào nền nếp; đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác ở vùng khơi, vùng lộng và ven bờ. Triển khai tốt hệ thống VMS để kiểm soát tàu hoạt động trên biển. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, ngăn chặn nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa đáp ứng yêu cầu. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với đội tàu chưa đạt yêu cầu (đạt 96,7% đối với tàu dài từ 15 m trở lên, đối với khối tàu dưới 15 m mới đạt tỉ lệ 46,6%).

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trong năm 2022 còn chậm (mới tăng được 5%). Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều tồn tại.

Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề lớn, nếu không khắc phục được thì không những không gỡ được thẻ vàng mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”.

“Các đồng chí đã phát biểu các quy định pháp luật cơ bản đầy đủ, các cơ chế chính sách về nguồn lực đã được quan tâm”, Phó Thủ tướng nói. Khâu tổ chức thực hiện của các địa phương, đặc biệt ở cơ sở có vai trò quyết định. Các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cơ sở, đội nhóm và từng ngư dân phải khắc phục bằng được những tồn tại trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Đề án phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025 vừa được Thủ tướng ban hành, phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ-hải sản Việt Nam an toàn, bền vững.

Tuệ Minh