Tài chính - Ngân hàng

Tăng cường hiệu quả quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử

Số thu từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng.

Theo thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, sáng 29/7, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) là loại hình kinh doanh phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, đảm bảo chống thất thu thuế đối với lĩnh vực này, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách và quản lý thuế.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 126/2020/NĐ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số hướng CP dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Thông tư số hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh...

Cũng theo ông Nguyễn Như Quỳnh, số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.076 tỷ đồng; Google là 2.040 tỷ đồng; Microsoft là 699 tỷ đồng.

Còn theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trên cơ sở thông tin quản lý, tại thời điểm hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 3 Công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các Sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu công tác quản lý thuế với hoạt động TMĐT của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Theo đó, NCCNN có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới thông qua Cổng từ đó tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế của NCCNN theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.

Sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCN từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 26 NCCNN lớn (Microsoft, Facebook, Netfix Samsung; TikTok; eBay...) đã đăng thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Với sự phát triển của nền kinh tế số và hoạt động TMĐT tại Việt Nam thực tiễn đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý thuế như: khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp; xác định căn cứ tính thuế; phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế; kiểm soát dòng tiền...

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, các nhà quản lý tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung: Thực trạng chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới ở Việt Nam hiện nay; Những hạn chế, thách thức trong chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới hiện nay; Xu thế và kinh nghiệm của các nước trong chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới; Các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT, dịch vụ số xuyên biên giới.

Hội thảo cũng gợi mở thêm nhiều vấn đề mới và các giải pháp cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên, các nhà nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện về chính sách và quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới của Việt Nam, trọng tâm là hiện đại hóa công tác quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu, sửa đổi, bổ sung các quy định thuế hiện hành và các pháp luật chuyên ngành có liên quan, tăng cường hợp tác giữa cơ quan thuế với các bộ, ngành có liên quan cũng như hợp tác quốc tế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.

Đánh giá về công tác quản lý hoạt động TMĐT, ông Nguyễn Việt Anh, Chuyên gia quản trị công cao cấp của WB cho rằng, tiềm năng TMĐT rất lớn trên thế giới và Việt Nam. Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế trong lĩnh vực này, trong chính sách thuế GTGT, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong khai, nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Đồng thời, cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế GTGT với nhà cung cấp nước ngoài; bãi bỏ việc miễn thuế với hàng hóa có giá trị thấp.

Với thuế trực thu, ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến quốc tế xung quanh những thảo luận và thỏa thuận về thuế trực thu với doanh nghiệp kỹ thuậ số. Bên cạnh đó, cần dự phòng phương án nếu không có sự đồng thuận về việc đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số; rà soát lại các ưu đãi thuế để tránh thất thu thuế từ tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Trong khi đó, PGS.TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) nhận định, những khó khăn, thách thức trong quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới xuất phát từ các đặc điểm của mô hình kinh doanh này gắn với công nghệ hiện đại. Kết quả chống thất thu thuế từ hoạt động TMĐT thời gian qua cũng gắn với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng cho cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng công nghệ để kiểm soát giao dịch TMĐT.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, ông Trường nhấn mạnh: Nhất thiết phải áp dụng công nghệ ở một trình độ ngày càng cao trong quản lý thuế. Trong đó, cần xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế; Phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; Ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt.

Ông Trường cho rằng, về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số. Nếu không kiểm soát được giao dịch TMĐT trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ và công nghệ hiện đại thì các nỗ lực khác sẽ không thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đề ra...

Tuệ Minh